Trong 3 năm (2007 - 2009), trên địa bàn huyện Tân Lạc đã xảy ra 5 vụ cháy rừng, chủ yếu là cháy rừng trồng do người dân đốt dọn nương để cháy lan. Khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để dập tắt. Trước thực trạng công tác PCCCR còn hạn chế, ý thức về PCCCR của người dân chưa cao, lực lượng kiểm lâm địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao nhận thức nhân dân. Nhờ đó, góp phần khống chế nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ông Nguyễn Văn Chậm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tân Lạc cho rằng, thách thức lớn trong phòng cháy rừng xuất phát từ thực tế hiện nay diện tích nương rẫy của bà con còn xen lẫn với rừng nên khi phát dọn rất dễ xảy cháy. Trong khi đó, diện tích rừng trên địa bàn huyện chủ yếu là rừng nghèo, thảm thực vật nhiều, rừng trồng hầu hết là keo lai (một loại cây dễ cháy), công tác chăm sóc chưa thực sự chú trọng. Việc đầu tư của Nhà nước để khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên chỉ nằm trong diện tích rừng phòng hộ, mức đầu tư thấp. Các chủ rừng là hộ gia đình không có nhiều điều kiện đầu tư chăm sóc, bảo vệ phòng cháy rừng được giao.
Năm 2010, các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, PCCCR đã được huyện tăng cường, trong đó, dành ưu tiên cho công tác tuyên truyền, vận động. Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xã, cán bộ giáo dục cộng đồng, Dự án 661 tuyên truyền đến 14.980 lượt người dân về Luật Bảo vệ & Phát triển rừng, quy định về PCCCR, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, quản lý lâm sản và chỉ thị của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Các hình thức tuyên truyền như truyền thanh, truyền hình, mở hội nghị, họp dân, sinh hoạt đoàn thể, phát tờ rơi… được đẩy mạnh.
Đặc biệt là duy trì thường xuyên thông qua phương tiện thông tin đại chúng về khả năng cháy rừng, các biện pháp phòng cháy rừng với cấp dự báo cháy rừng. Ông Nguyễn Văn Chậm cho biết: Cộng đồng dân cư có rừng và gần rừng, các cơ quan, tổ chức kinh doanh hoặc có công trình trong hay đi qua rừng, trường học, tổ chức chính trị, đoàn thể là trọng điểm tuyên truyền, vận động PCCCR. Qua đó, người dân có nhận thức đầy đủ hơn về tác hại của việc cháy rừng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, KT-XH. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn tích cực triển khai hướng dẫn người dân về nội quy sử dụng lửa trong những trường hợp cần thiết, các quy định về PCCCR của pháp luật, phổ biến phương án PCCCR của các xã, thị trấn, các quy định trong quy ước bảo vệ rừng. Hướng dẫn bà con sản xuất nương rẫy theo đúng quy hoạch, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm cấm phát đốt nương mới, dọn đốt nương đúng quy định về PCCCR.
Các công trình PCCCR như tu sửa biển cấm lửa, bảng nội quy bảo vệ rừng tại các cửa lối, xây dựng chòi canh lửa, bố trí lực lượng canh phòng, xây dựng đường băng cản lửa được xây dựng ngay khi bước vào mùa khô 2010 - 2011. Qua công tác tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, người dân đã có ý thức hơn trong phát đốt nương đúng quy trình, chăm sóc đúng thời vụ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật PCCCR tu bổ vệ sinh rừng, làm đường băng cản lửa ở khu vực rừng trồng mới, chặt bỏ dây leo bụi rậm, thu dọn cành lá và xử lý để giảm vật liệu cháy. Trong điều kiện thời tiết hanh khô, khắc nghiệt song với nỗ lực chủ động PCCCR, nâng cao nhận thức người dân, công tác bảo vệ, PCCCR của huyện Tân Lạc đạt được kết quả đáng khích lệ. Năm 2010, toàn huyện không xảy ra vụ cháy gây thiệt hại đến rừng. Việc khai thác rừng trồng, cải tạo rừng theo quy định và trồng rừng mới được chú trọng. Toàn huyện trồng mới 366, 4 ha rừng, khai thác 66, 5 ha rừng tập trung, cải tạo 19, 3 ha rừng tự nhiên, thu nhập từ lâm nghiệp đạt trên 2, 3 tỷ đồng, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 49,5%.