DetailController

Kinh tế

Tân Lạc: Hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn

26/05/2021 00:00
Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, huyện Tân Lạc đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Toàn huyện hiện có khoảng 1.105 ha, trong đó có 400 ha đang cho thu hoạch và gần 600 ha đã trồng từ 1-3 năm

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngay từ năm 2011, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Lạc đã tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao mức tiêu chí bình quân trên địa bàn; tập trung xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng; chú trọng hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thu sản phẩm. Đến nay, đã có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,45 triệu đồng/người/năm; tổng số đường được cứng hóa, nhựa hóa, rải cấp phối đạt 47,8%. Huyện đã hỗ trợ thúc đẩy 3 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.

Tân Lạc có 3 xã vùng cao là Quyết Chiến, Nam Sơn và Ngổ Luông. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, huyện đã tiến hành thử nghiệm trồng một số loại rau mang tính đặc trưng của vùng như susu, xà lách, bắp cải, cải thảo,... Nhờ được tập luyện kỹ thuật và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nên rau sinh trưởng và phát triển tốt. Huyện định hướng tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau ôn đới khoảng 20ha và quy hoạch lại vùng sản xuất rau su su khoảng 100 ha. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm rau, gắn phát triển nông thôn với phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ thực tế cho thấy, cây bưởi đỏ, bưởi da xanh phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu huyện, hương vị của loại quả này cũng mang đặc trưng riêng phù hợp với thị yếu của người dùng. Năm 2013, Huyện ủy đã xây dựng và triển khai Nghị quyết chuyên đề về phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2013-2020. Sự năng động của hộ dân trồng bưởi cùng với những chính sách hỗ trợ kịp thời đã tạo ra sản phẩm hàng hóa cho giá trị cao. Qua các năm, diện tích trồng bưởi tăng lên nhanh chóng, tập trung tại các xã dọc Quốc lộ 12B và Quốc lộ 6. Toàn huyện hiện có khoảng 1.105 ha, đạt 200,9% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, 400 ha đã cho thu hoạch, gần 600 ha đã trồng từ 1-3 năm. Thu nhập bình quân từ 400-700 triệu đồng/ha. Cùng với các sản phẩm nông sản khác, “Bưởi đỏ Tân Lạc” đã được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận là Nhãn hiệu tập thể năm 2017.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, cấp ủy, chính quyền huyện đã quán triệt và triển khai, từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã chuyển đổi 2.500 ha diện tích đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang loại cây cho năng suất cao cây trồng hằng năm. Bằng hình thức luân canh, giá trị thu nhập trên cùng một diện tích cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa. Đồng thời, huyện đã chủ động mở rộng cải tạo trên 670 ha vườn tạp để phát triển các loại cây trồng phù hợp như bưởi, dưa hấu, lạc, đậu,... Tổng giá trị thu hoạch 1 ha đất trồng trột bình quân đạt trên 200 triệu đồng, bình quân sản lượng lương thực cây có hạt của huyện đạt trên 41.915 tấn/năm, bình quân lương thực đạt 490 kg/người/năm.

Bằng những cách làm hay, sáng tạo, huyện Tân Lạc đã triển khai hiệu quả những nghị quyết, chính sách phù hợp với đặc thù từng địa phương. Từ một địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, đến nay, huyện đã xây dựng và mở rộng nhiều mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; kết nối nhiều kênh tiêu thụ, đảm bảo sinh kế cho người nông dân. Từ đó, kinh tế – xã hội huyện ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn chuyển biến tích cực./.