Ý TƯỞNG LÃNG MẠN
Dự án trồng thử nghiệm 10 ha cây cao su được Hội KHKT Lâm nghiệp Hòa Bình rậm rịch chuẩn bị từ cuối năm 2007, chính thức đưa vào trồng năm 2009 tại khu đồi Nguyệt, thuộc xóm Bưng, xã Thu Phong. Cao su thử nghiệm gồm 2 giống đưa ra từ miền Nam là PB260, RRIV4 và 2 giống chịu lạnh của Trung Quốc là VNg - 774 (Vân Nghiên), VNg - 772, tổng kinh phí thực hiện đề tài gần 360 triệu đồng.
Theo báo cáo của Hội KHKT Lâm nghiệp, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có thể trồng cây cao su lên tới 20.000 ha. Khi tham gia góp đất cho dự án trồng cao su, người dân sẽ được hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật và phân bón trị giá 30 triệu đồng cho mỗi ha trong 6 năm đầu và đặc biệt sẽ không phải lo đầu ra cho sản phẩm như các loại cây trồng khác. Hy vọng đón lõng sự thành công của dự án, một công ty thu mua sơ chế mủ cao su được thành lập chóng vánh cũng như biển quy hoạch hoành tráng được trưng tại tỉnh Hòa Bình cho người dân an tâm.
Một cán bộ xã Thu Phong đắng đót cho biết: Lúc cây cao su vẫn phát triển tốt, người đứng đầu Hội KHKT Lâm nghiệp cũng là chủ nhiệm đề tài đã miêu tả một viễn cảnh tươi sáng khi cao su trở thành loại cây chủ lực phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Từ năm thứ 5 cây cao su sẽ bắt đầu cho mủ và đến năm thứ 7 sản lượng có thể đạt ổn định từ 1,5-2 tấn mủ khô/ha, thậm chí sau đó có thể đạt 3-4 tấn/ha. Với giá trị sản phẩm cao su hiện nay sẽ cho thu bình quân hàng trăm triệu đồng ha/năm. Đây là bước đột phá phát triển cây công nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.
Không chỉ có vậy, việc trồng cây cao su ngoài vấn đề về giá trị kinh tế còn góp phần bình ổn xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm tại chỗ ổn định cho hàng trăm ngàn lao động... Phải nói, người xây dựng đề tài phát triển cây cao su ở Hòa Bình mang trong mình một ý tưởng vô cùng lãng mạn, tiếc rằng khi cây cao su chết sạch sành sanh thì sự lãng mạn vụt tắt theo.
THẤT BẠI Ê CHỀ
Mới đây, đoàn công tác gồm đại diện Sở KH-CN, Sở NN-PTNT cùng đại diện Hội KHKT Lâm nghiệp Hòa Bình đã khẳng định, toàn bộ diện tích cao su trồng khảo nghiệm tại xã Thu Phong đã bị chết (cây khô, vỏ bong tróc, gốc đã chảy nhựa). Nguyên nhân không nằm ngoài dự đoán trước, do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm kèm theo sương muối kéo dài.
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi bò xe qua con đường mòn mới mở phục vụ công tác trồng cao su để đến được khu đồi Nguyệt thuộc xóm Bưng, xã Thu Phong. Đứng dưới chân đồi nhìn lên chỉ là một màu xanh mướt của mía, sắn, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cây cao su nào. Tưởng đã nhầm đường, chúng tôi loanh quanh ở khu đồi một lúc thì gặp chị Bùi Thị Mai.
Chỉ khi chị Mai khẳng định đây là khu đất trồng cao su chúng tôi mới dám tin. Rồi chị vạch những khóm mía, bụi sắn và chỉ vào những gốc cây cao su to bằng cổ tay còn sót lại. Cây nào cây nấy khô cong, bị chặt gần sát gốc, có những cây to bằng cái phích cũng bị chém ngang thân trông thật xót xa. Sau khi cao su chết sạch, thấy đất bỏ hoang lãng phí người dân đã đem mía, sắn lên trồng mong vớt vát được chút gì.
|