DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tận dụng nguồn lực “dân số vàng” để phát triển

01/04/2022 00:00
Theo số liệu của Cục Thống kê, dân số tỉnh Hòa Bình năm 2021 là 871.724 người. Dân số khu vực thành thị (gồm phường, thị trấn) đạt 221.383 người, chiếm 25,40%, dân số khu vực nông thôn đạt 650.341 người chiếm 74,60% trên tổng dân số. Dân số của tỉnh trong các năm qua có xu hướng tăng, tuy nhiên tốc độ tăng chậm. Năm 2021, dân số trong độ tuổi lao động 530.065 người (nam từ 15-60; nữ từ 15-55), chiếm 60,80% so với tổng dân số, đây là thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” mang lại cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.
Nguồn lực “dân số vàng” là điều kiện tốt để phát triển kinh tế với lợi thế lao động trẻ tại chỗ

Trong số 60,80% lực lượng lao động của tỉnh, có 52,59% lao động nam, 47,41% lao động nữ. Trong số này 78,29% lực lượng lao động tập trung ở khu vực nông thôn. Thống kê theo lĩnh vực, lực lượng lao động (15 tuổi trở lên) đang làm việc là 516.283 người, trong đó lao động ngành nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 52,8%, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 23,3%, ngành dịch vụ chiếm 23,9%. Qua đó cho thấy cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực, số lao động làm việc trong ngành nông, lâm, nghiệp thủy sản giảm dần và các ngành công nghiệp, dịch vụ tăng lên. Vì vậy nhu cầu lao động trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ sẽ tăng và giảm dần lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Cơ cấu lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu và có khả năng thu hút nhiều lao động tại chỗ, đồng thời phát triển mạnh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công, lắp ráp cơ khí, điện tử,… và công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm.

Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ có chuyển biến tích cực trong những năm qua, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với nhu cầu sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật trong các ngành kinh tế. Năm 2021, trong tổng số 516.283 người từ 15 tuổi trở lên đang tham gia lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,1%. Trong đó lao động đào tạo nghề chiếm 90,82%, số còn lại được đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trở lên.

Tuy nhiên, nếu không có sự quan tâm và các chính sách phát triển phù hợp, cơ cấu “dân số vàng” không những không đem lại tác động tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh mà sẽ là áp lực về việc làm, trật tự, an ninh xã hội….Vì vậy, để tận dụng lợi thế này đòi hỏi các cấp các ngành phải có những chính sách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, tăng năng suất lao động, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ…

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được sự quan tâm thực hiện. Thông qua chương trình giải quyết việc làm - dạy nghề, các chương trình dự án phát triển kinh tế trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chương trình hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tư vấn giới thiệu việc làm, cung ứng lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh đã giúp người lao động có việc làm, tạo ra thu nhập và từng bước nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua đã cho phép 32 doanh nghiệp đến các địa phương để tư vấn và tuyển chọn lao động. Kết quả năm 2021, ước có 16.120 lao động được giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động được 150 người. Công tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, đã tổ chức được 57 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho 1.517 người. Ước đến hết năm 2021, tuyển sinh đào tạo được 15.000 người, tỷ lệ học viên, học sinh, sinh viên được giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%.

Ngay sau khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp đã tiến hành điều chỉnh mức lương của người lao động trong thang lương, bảng lương, hợp đồng lao động đảm bảo mức lương của người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, các doanh nghiệp đã thực hiện trả lương thêm giờ, trả lương cho người lao động khi bị tai nạn lao động và trả lương cho người lao động vào những ngày lễ, tết, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo đúng quy định. Góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh đó lực lượng lao động của tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch kinh tế cũng như yêu cầu của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng; công nhân kỹ thuật không có bằng cấp còn nhiều. Ý thức của người lao động trong chấp hành nội quy lao động, tác phong lao động chưa chuyên nghiệp. Thiếu lao động chất lượng cao, hạn chế trong công tác chuyển giao và sử dụng công nghệ, năng suất lao động, nhất là khu vực sản xuất yêu cầu công nghệ cao. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, năng suất lao động nhìn chung còn thấp so với bình quân chung cả nước. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, quy mô sản xuất kinh doanh còn hạn chế do đó chưa thu hút được nhiều lao động địa phương vào làm việc; các DN chưa quan tâm đào tạo lao động tại chỗ. Thu nhập và điều kiện lao động chưa được cải thiện là những nguyên nhân khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng, duy trì và phát triển quan hệ bền vững đối với lao động.

Nhiệm vụ thời gian tới, tiếp tục có các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó cốt lõi là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, phát triển giáo dục - đào tạo gắn với phát triểnkhoa học và công nghệ. Tích cực triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 15/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các Chương trình, Đề án của Chính phủ về hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp gắn với đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng các Trung tâm dịch vụ việc làm. Phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động và dịch vụ về đào tạo, tìm kiếm, giới thiệu việc làm để tạo cầu nối liên kết giữa cung và cầu lao động, giữa người lao động, cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động. Thực hiện đầy đủ các quy định về cải cách tiền lương, gắn việc trả lương với vị trí việc làm, trả lương đúng với giá trị sức lao động để tiền lương trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, động viên người lao động cống hiến và phát huy khả năng sáng tạo./.