Ông Đoàn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp- Sở GD&ĐT đã bộc bạch như vậy khi trao đổi với chúng tôi về thực trạng mỗi thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT được nhận hàng chục giấy mời nhập học ở các trường Cao đẳng, THCN.
Không nộp hồ sơ vẫn được xét tuyển
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, THCN năm 2011, tỉnh ta có gần 10.200 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Hồ sơ dự thi của các thí sinh tập tập trung vào khoảng 150/ tổng số gần 400 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Theo khảo sát sơ bộ của ngành giáo dục tỉnh nhà, các thí sinh dự thi chủ yếu ở các trường đại học, cao đẳng thuộc khu vực miền núi, trung du phía Bắc, đông nhất vẫn là các trường Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên, Đại học Lâm nghiệp “Xuân Mai, Hà Nội), Đại học Hùng Vương- Phú Thọ… Tuy nhiên, đến thời điểm này, mỗi thí sinh đã được nhận thêm hàng chục giấy mời nhập học từ các trường cao đẳng, THCN và đại học dân lập. Đó là thực trạng đã diễn ra từ nhiều năm nay khi mà các trường đại học, cao đẳng, THCN, nhất là các trường ngoài công lập "chạy đua" hút thí sinh. Bằng cách này hay cách khác, các trường có được tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của những học sinh vừa tốt nghiệp THPT, vậy là đã có cơ sở để gửi giấy trúng tuyển, mời nhập học.
Tốt nghiệp THPT, em Đặng Huyền Trang ở phường Phương Lâm (TPHB) nộp hồ sơ thi vào trường đại học Dược Hà Nội. Kết quả thi chỉ đạt 11 điểm nên không trúng tuyển. Đang lo lắng vì con trượt đại học, thì đến trung tuần tháng 8, gia đình Trang tới tấp nhận được được những lá thư được gửi tới từ các trường đại học, cao đẳng, THCN với nội dung đại loại như: Bạn đã trúng tuyển vào trường.... và mời bạn đến làm thủ tục nhập học vào ngày... tháng...năm... có nhiều trường còn tranh thủ quảng cáo: có KTX ăn ở, đội ngũ giáo viên nhiệt tình, có kinh nghiệm giảng dạy...
Mừng vì con thi trượt nhưng cũng đã có chỗ để học chứ không phải chịu buồn bã, vất vưởng ngồi nhà ôn thi để năm sau thi tiếp, nhưng lại cũng lo là không biết nên chọn trường nào cho phù hợp. Riêng khổ chủ, thí sinh Đặng Huyền Trang thì dường như cảm thấy bị stress vì vừa phải gặm nhấm nỗi buồn thi trượt lại vừa cảm thấy bối rối trước một tập giấy mời nhập học mà chưa biết chọn trường nào.
Thí sinh nên sáng suốt để chọn trường cho phù hợp
Đó là lời nhắn nhủ của ông Đoàn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp – Sở GD-ĐT đến các thí sinh đang có trong tay hàng chục phong bì thư mà trong đó chứa đựng thông tin là giấy báo trúng tuyển và mời nhập học. Ông Tuấn khẳng định: Tất cả những giấy mời nhập học đó đều hoàn toàn hợp lệ vì đã có đầy đủ chữ ký của hiệu trưởng, con dấu của nhà trường và đúng tên, tuổi, nơi cư trú… của thí sinh. Để giảm nhẹ sức ép việc chọn trường, theo ông Tuấn, các thí sinh cần quan tâm tới 2 vấn đề chính, đó là: chọn ngành, nghề mà xã hội đang quan tâm (không chỉ trong thời điểm hiện tại mà phải có tầm nhìn xa hơn để sau 2-4 năm học ra trường sẽ tìm được công việc phù hợp). Một yếu tố nữa cũng đặc biệt quan trọng là lựa chọn về điều kiện học tập sao cho phù hợp với năng lực, sở thích, kinh phí đóng góp, vừa phải so với điều kiện hoàn cảnh gia đình. Trong đó cũng phải quan tâm đến yếu tố khác là truyền thống, bề dày thành tích… những điều kiện mà có thể tạm gọi là “ thương hiệu” của nhà trường. Sở dĩ phải quan tâm tới điều đó vì khi tuyển dụng cán bộ, công chức, người lao động, trước tiên người tuyển dụng phải quan tâm tới bằng cấp, ngành nghề đào tạo, sau đó mới kiểm tra đến năng lực thực tiễn. Thông tin về các trường đại học, cao đẳng, THCN đều được đăng tải trên các trang web, thí sinh có thể tìm, nghiên cứu và đưa ra sự lựa chọn phù hợp. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ, tư vấn, trực tiếp, thí sinh và các bậc phụ huynh cũng có thể điện thoại hoặc trao đổi của các các cán bộ, chuyên viên phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT để có thêm ý kiến khách quan giúp cho chọn trường được dễ dàng, chuẩn xác hơn.