Sưu tầm, phục dựng được một số lượng lớn làn điệu cồng chiêng cổ của dân tộc Mường đang có nguy cơ bị mai một. Các điệu cồng cổ, Chiêng lệnh, Chiêng khổ, Chiêng đi săn và các bài phát triển. Cụ thể: qua điều tra tại huyện đã thu được: huyện Kim Bôi: 14 làn điệu, Kỳ Sơn: 03 làn điệu, Lạc Sơn: 15 làn điệu, Cao Phong: 10 làn điệu, Đà bắc: 01 làn điệu, Mai Châu: 01 làn điệu, Tân Lạc: 22 làn điệu, Lạc Thủy: 03 làn điệu, Lương Sơn: 05 làn điệu, Yên Thủy: 01 làn điệu và thành phố Hòa Bình 15 làn điệu. Tổ chức ghi âm, ghi hình từng làn điệu cổ, bài cồng cổ và các bài phát triển, một số bài cồng mới tại các vùng Mường. Phân tích cao độ, trường độ các nốt, cung, bậc hòa âm từ đó dịch soạn ra ký tự nhạc lý và nhịp phách. Viết tài liệu bằng ký tự tiếng Việt giới thiệu về chiêng, giàn chiêng, cách đánh chiêng. Cách đọc các giai điệu chiêng theo tiếng dân tộc và nhạc lý sơ đẳng để người đọc có thể đọc mà đánh được các nốt chiêng. Xây dựng băng ghi hình dạy cách đánh chiêng phát hành xuống cơ sở. Hỗ trợ mở được 04 lớp truyền dạy cồng chiêng tại 04 vùng mường lớn trong tỉnh (Mường Bi – tân Lạc, Mường Vang – Lạc Sơn, Mường Thàng – Cao Phong và Mường Động – Kim Bôi).
Qua thời gian thực hiện đề tài Ban chủ nhiệm cũng đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc cồng chiêng: Tạo điều kiện tốt nhất phục dựng các làn điệu cồng chiêng cổ của dân tộc Mường thông qua các hội thi trình tấu cồng chiêng, tổ chức lễ hội dân gian truyền thống, ngày hội đại đoàn kết các dân tộc hàng năm tại các cụm dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, bản trong tỉnh. Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa – văn nghệ cơ sở như Nhà văn hóa thôn bản, Trung tâm văn hóa cấp xã, huyện, tỉnh có chức năng tổ chức các hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện cho nhân dân có sân chơi và được tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ dân gian. Quan tâm bảo tồn làng bản dân tộc truyền thống của các dân tộc trong tỉnh song hành với việc đầu tư phát triển phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc thông qua các mặt văn hóa trong đó có vai trò của âm nhạc cồng chiêng dân tộc Mường. Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ dân tộc Mường qua các làn điệu cồng chiêng bằng các hình thức, các kênh thông tin tuyên truyền, đưa vào giảng dạy trong các trường dân tộc nội trú có đông con em dân tộc theo học.
Việc sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng là một mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân.Vì vậy việc phục dựng các làn điệu Cồng chiêng cổ cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.