DetailController

Giáo dục

Sự thăng tiến đáng kể của giáo dục tỉnh ta qua 5 năm chung bảng kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

23/03/2011 00:00
Trước năm 2007, tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, đội tuyển học sinh giỏi tỉnh ta luôn đứng đầu bảng B ( các tỉnh miền núi, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long). Với vai trò tiên phong là trường đào tạo mũi nhọn của tỉnh, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ luôn có số lượng học sinh đông đảo tham gia và đoạt nhiều giải nhất. Một số trường khác trên địa bàn thành phố như trường PTDTNT tỉnh, THPT Công Nghiệp, Lạc Long Quân và một số trường THPT tại các huyện cũng góp phần vào sự thành công chung của các đội tuyển. Nhưng từ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2006-2007, toàn quốc thi chung bảng, những khó khăn, thách thức đã xuất hiện đối với học sinh Hoà Bình. Dẫu vậy, đội tuyển Hoà Bình mà thực chất là học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã từng bước vươn lên khẳng định mình.
Niềm vui của thầy cô và các học sinh đoạt giải quốc gia năm 2011. Lần đầu tiên, 100% các đội tuyển đều có giải.

 

Năm 2007, khi Bộ GD&ĐT bỏ tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với các học sinh đoạt giải cao đã làm nảy sinh tâm lý “thờ ơ”, “không tha thiết” vào đội tuyển, không chỉ với học sinh mà ở cả các bậc phụ phuynh. Đó cũng là vấn đề mà trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ phải đối diện. Chung bảng, nghĩa là phải đua tranh với các trường lừng lẫy bảng A một thời như Hà Nội- Amstecđam, Trần Phú (Hải Phòng), Lê Hồng Phong( Nam Định), Phan Bội Châu (Nghệ An), Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Lê Hồng Phong thành phố Hồ Chí Minh) và các trường thuộc khối chuyên của nhiều trường đại học trong toàn quốc. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ- đơn vị giữ vai trò số 1 trong phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Là “con nhà khó” nên điều kiện để mời các chuyên gia dạy đội tuyển cũng không duy trì thường xuyên nên cảm giác choáng ngợp của “lần đầu ra biển lớn” là điều không tránh khỏi với cả thầy và trò nhà trường. 2 năm đầu tiên (2007 và năm 2008), tỉnh ta đã đoạt 56 giải, dẫu có đến giải nhì nhưng chất lượng giải ở một số môn đã ở mức đáng báo động. Kỳ thi năm 2008, các đội tuyển toán, vật lý, tin học và Nga văn “trắng giải”. Những môn có truyền thống, là số 1 của bảng B như hoá học, sinh vật cũng tạm an ủi với 1 giải ba và 2-3 giải khuyến khích…Đến kỳ thi năm 2009 có đến 4 môn không vươn lên nổi tới giải khuyến khích. Thực tế đó đã đặt ngành GD&ĐT và trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ nhiệm vụ mới phải phấn đấu: làm gì để tiếp cận và hoà nhập thành công các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc trong điều kiện chung bảng ? Vì thế, nhà trường đã có nhiều giải pháp để xốc lại như làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho học sinh, các bậc phụ huynh về vinh dự, trách nhiệm của học sinh với các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Đồng thời, nhà trường tiếp tục củng cố, gây dựng đội ngũ giáo viên. Thầy giáo Trần Quang Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng bên cạnh tạo điều kiện cho giáo viên theo học các lớp trên đại học; đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng trong đội ngũ; nhà trường đã tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, học hỏi, tiếp cận dần với trình độ của các giáo viên trường chuyên trong toàn quốc. Đồng thời, được sự cho phép của tỉnh và ngành, nhà trường đã tuyển được đội ngũ giáo viên trẻ, nhiều triển vọng( 10 giáo viên). Hiện nay, nhà trường đã có gần 30% giáo viên có trình độ trên đại học…
 
Triển khai các bước hoà nhập tuần tự, bài bản, có tiếp thu kinh nghiệm, bài học của các trường chuyên mạnh trong toàn quốc, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đã dần trụ vững, thực sự khẳng định được thế mạnh của mình. Tại 2 kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2010 và 2011, đội tuyển học sinh giỏi tỉnh ta đã đoạt 86 giải ( năm 2010 đoạt 40 giải, năm 2011 tăng lên 46 giải). Trong đó có 9 giải nhì, 34 giải ba và 43 giải khuyến khích. Mỗi năm đều có 5-6 học sinh người dân tộc đoạt giải. Qua nhiều năm chung bảng, các đội tuyển thuộc các môn khoa học xã hội tiếp tục chứng tỏ được ưu thế trong mặt bằng toàn quốc. Đội tuyển ngữ văn, lịch sử, địa lý luôn chiếm ưu thế cả về số lượng, chất lượng. Đội tuyển địa lý 2 năm liền, 100% thành viên đội tuyển đều đoạt giải ( 4 giải nhì, 5 giải ba và 3 khuyến khích). Năm 2010, đội tuyển sử đoạt 4 giải thì năm 2011 cả 6 học sinh đều đoạt giải cao ( 2 giải nhì, 4 giải ba). Đội tuyển ngữ văn năm 2011 vẫn là đội luôn có “á quân” môn văn toàn quốc ( 1 giải nhì, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích)…Năm 2011 cũng là kỳ thi ghi nhận sự vươn lên đồng đều của 12/12 đội tuyển( lần đầu tiên, 100% đội tuyển có học sinh đoạt giải). Cùng với thành tích bền bỉ của các môn khoa học xã hội và sự khá ổn định của các đội tuyển sinh vật, Anh văn, hóa học, đội tuyển các môn vật lý, toán đã tạo được dấu ấn nhất định. Sau một thời gian khá vắng giải, 2 năm liên tiếp, các đội tuyển toán đã đoạt 3 giải ba, 4 giải khuyến khích ( năm 2010 đã có học sinh là thành viên đội dự tuyển thi Ô-lim-píc toán quốc tế). Nhiều em tiếp tục đoạt giải cao tại các kỳ Ô-lim-píc toán Hà Nội và Singapore mở rộng. 2 năm liền, đội tuyển tin học đã ghi tên vào danh sách các đội đoạt giải.
 
2 năm liên tiếp, từ bước hội nhập ban đầu chung bảng, các đội tuyển Hòa Bình đã vươn lên ở tốp các tỉnh có thành tích tốt tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Không chỉ vẫn ở thế ‘thượng phong” so với các tỉnh từng chung bẳng B trước đây, Hoà Bình đã vươn lên ngang bằng trong xếp hạng so với nhiều tỉnh “cựu” bảng A. Đó là một kết quả có ý nghĩa, như là món quà chào mừng kỷ niệm 30 năm hệ chuyên toán Hoàng Văn Thụ, 10 năm là trường THPT chuyên và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhì do Nhà nước trao tặng.
 
Thành công cả 2 mùa giải liên tiếp nhưng điều đó cũng đặt cho tỉnh và trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ một đích phấn đấu tiếp theo: là làm sao có mặt ở tốp trên gồm các tỉnh, thành có thành tích tốt về học sinh giỏi toàn quốc và có học sinh tham dự các kỳ Ô-lim-píc quốc tế. Đố cũng là điều thôi thúc, lực đẩy với thầy, trò các đội tuyển phấn đấu, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới.