DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện dồn điền đổi thửa

13/02/2023 00:00
Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí cho công tác dồn điền, đổi thửa. Trong đó sử dụng kết hợp, hiệu quả các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn vốn do Nhân dân đóng góp để làm kinh phí đo đạc bản đồ địa chính, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương và xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh đã bố trí, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi.

Giai đoạn 2018-2022, căn cứ từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tỉnh đã phân bổ 145.000 triệu đồng thực hiện nhiệm vụ đo đạc bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện dồn điền đổi thửa. Lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Cụ thể, ngân sách Trung ương đầu tư phát triển là 48.322 triệu đồng; ngân sách địa phương là 234.763 triệu đồng; vốn lồng ghép là 518.592 triệu đồng; vốn tín dụng 40.320 triệu đồng; doanh nghiệp 3.910 triệu đồng và Nhân dân đóng góp là 59.105 triệu đồng. Ngoài ra, nguồn vốn được bố trí tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch đầu tư công hằng năm phục vụ cho các dự án hạ tầng thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông thôn.

Hiện có 8/10 huyện, thành phố có diện tích dồn điền, đổi thửa. Lũy kế số xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa đạt 69/129 xã, chiếm 53,5%. Căn cứ vào kế hoạch của từng địa phương, tỉnh đã phân bổ kinh phí thực hiện. Trong đó, huyện Lương Sơn được phân bổ 3.836,8 triệu đồng; huyện Đà Bắc là 1.285 triệu đồng, Lạc Sơn là 6.800 triệu đồng; huyện Lạc Thủy là 32.500 triệu đồng; huyện Yên Thủy là 8.599 triệu đồng.

Sau 5 năm thực hiện, diện tích dồn điền, đổi thửa của toàn tỉnh là 4.407,85 ha. Kết quả trên góp phần khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất. Số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm từ 37-50% tại các địa phương triển khai thực hiện. Trên địa bàn tỉnh xuất hiện những thửa ruộng, cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Tiêu biểu là huyện Kim Bôi, diện tích canh tác trồng trọt được tưới tiêu chủ động đạt 72%; đường nội đồng được nâng cấp, kiên cố hóa 50%. Tại huyện Lương Sơn, diện tích thâm canh được mở rông, giúp năng suất tăng bình quân từ 15 - 20%. Việc dồn điền, đổi thửa đã thúc đẩy các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Nhiều mô hình trình diễn, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được xây dựng và nhân rộng tại tỉnh, như: Mô hình gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02 (Đà Bắc); mô hình chuỗi sản xuất dưa chuột xuất khẩu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pacific, Công ty Hagimex,... đối với những diện tích đất trồng mầu, đất khác việc dồn điền, đổi thửa chủ yếu để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cây cam, bưởi, nhãn./.