DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hòa Bình (2010 – 2014)

19/01/2015 00:00
Ngày 19/1, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 tổ chức Hội nghị trực tuyến với 11 huyện, thành phố Sơ kết 05 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2010 – 2014

Trong 05 năm triển khai thực hiện Đề án, nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Đề án, góp phần tích cực trong giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã phối hợp tốt trong việc triển khai thực hiện dạy nghề LĐNT. Tích cực trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm, kiểm tra giám sát thực hiện Đề án, đặc biệt là sự tham gia phối hợp hiệu quả của các Trung tâm giáo dục cộng đồng tại các xã. Nhờ đó, nhận thức của LĐNT về công tác đào tạo nghề được chuyển biến theo hướng tích cực, số lượng LĐNT tham gia học nghề hàng năm tăng.

Các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề để phục vụ dạy nghề cho LĐNT. Các thiết bị đưa vào sử dụng đã phát huy tốt tác dụng trong việc dạy nghề cho LĐNT như: thiết bị nghề may công nghiệp, máy công nghiệp, điện dân dụng, cơ khí hàn…

Trong năm 2014, đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được 175 lớp dạy nghề theo các trình độ Sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng cho 5.122 người, đạt 111,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nghề phi nông nghiệp: 2.361 người, nông nghiệp: 2.761 người, lao động học nghề xong có việc làm. Trong 05 năm (2010 – 2014) tổ chức đào tạo được 627 lớp dạy nghề theo các trình độ Sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 17.957 người, đạt 39,9% so với giai đoạn. Dạy nghề cho LĐNT theo Đề án 1956/QĐ-TTg là 14.011 người với nguồn kinh phí Trung ương là 17.590 triệu đồng, còn lại 3.946 người được đào tạo thông qua nguồn kinh phí địa phương và các nguồn kinh phí khác.

Thông qua đào tạo, lao động học nghề xong có thể áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, thành lập được nhiều tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã giải quyết việc làm cho nhiều LĐNT. Đối với nghề phi nông nghiệp, CSDN đã giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn: nghề mây giăng đan, làm chổi chít xuất khẩu, dệt thổ cẩm…các CSDN đã liên kết với các công ty may đào tạo và nhận lao động vào làm việc sau khi hoàn thành khóa học. Việc dạy nghề cho LĐNT góp phần đáp ứng đươc tiêu chí tỷ lệ lao động qua đào tạo trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiến độ thực hiện một số nội dung hoạt động của Đề án còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nghề triển khai dạy chưa phù hợp với đăc điểm của từng vùng, miền; chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng BCĐ ghi nhận những kết quả mà BCĐ Đề án 1956/QĐ-TTg các cấp đã triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời gian tới, trên cơ sở sát nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên tại 3 đơn vị: Lạc Sơn, Tân Lạc, Kỳ Sơn, Trưởng BCĐ giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở LĐ TB&XH và UBND các huyện báo cáo rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Các ngành, các cấp, đơn vị khảo sát chương trình dạy nghề trong giai đoạn 2016 – 2020 theo đúng định hướng phát triển kinh tế  - xã hội, theo quy hoạch ngành nghề của địa phương. Xây dựng kế hoạch dạy nghề gắn với quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, đảm bảo tính khả thi cao, đáp ứng nhu cầu của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện mục tiêu Đề án giai đoạn 2015 – 2020. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn về pháp luật dạy nghề qua nhiều kênh thông tin, trao đổi kinh nghiệm và biểu dương các điển hình tiên tiến và coi công tác đào tạo dạy nghề là nhiệm vụ và trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 12 tập thể và 13 cá nhân, trao giấy khen cho 18 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2010 – 2014.