DetailController

Giáo dục

Sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và mục tiêu nhiệm vụ năm 2012

07/03/2012 00:00
Ngày 6/3, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh.
Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”chủ trì hội nghị trực tuyến.

 Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Đề án, sau 2 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg đến nay đã có 11/11 huyện, thành phố có BCĐ. Công tác tổ chức điều tra, khảo sát các nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở dạy nghề, sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Đến nay, Đề án đã huy động được 24 cơ sở dạy nghề cho LĐNT bao gồm các TTDN, trung tâm khuyến nông, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất - kinh doanh. Thành lập mới 6/10 TTDN giai đoạn 2009 – 2011, đã có 10/10 huyện có TTDN, 7/10 dự án đầu tư xây dựng TTDN được UBND tỉnh phê duyệt. Kết quả thực hiện và kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị dạy nghề từ nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ đầu tư trong 2 năm đạt 39 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng 23,5 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị 15,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/1/ 2012 đã giải ngân được trên 32,2 tỷ đồng, đạt 82,6%. Các cơ sở dạy nghề đã xây dựng được 31 nghề đào tạo cho LĐNT từ sơ cấp cũng như dạy nghề thường xuyên bao gồm: hàn điện, sửa chữa xe máy, may công nghiệp, điện nông thôn, y tế thôn bản, nghề nuôi dế, tin học văn phòng và sản xuất gạch, nghề chăn nuôi gia súc, trồng cây lâm nghiệp, kỹ thuật trồng nấm rơm, nuôi cá lồng, kỹ thuật trồng mộc nhĩ, sản xuất cây giống, nghề trồng tỏi tía, làm chổi chít, làm tăm hương, thêu ren, dệt thổ cẩm,… Cũng trong 2 năm, Đề án đã tổ chức cho 159 đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề. Tổng kinh phí hỗ trợ dạy nghề bằng ngân sách T.Ư trong 2 năm vừa qua gần 6,5 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ tổ chức được 133 lớp với số học viên tốt nghiệp 3.774 người.

Tại hội nghị trực tuyến, đại biểu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các trung tâm đào tạo, doanh nghiệp, cá nhân đã báo cáo tình hình thực hiện Đề án về nhiều vấn đề như nguồn vốn hỗ trợ, chính sách, nguồn nhân lực...Theo đó, trong năm 2012, tỉnh ta phấn đấu hỗ trợ dạy nghề cho 2.500 LĐNT theo chính sách Quyết định 1956/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ít nhất 70% số người qua đào tạo có việc làm; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mua sắm trang thiết bị dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Cũng trong thời gian tới, BCĐ Đề án của tỉnh đã đề ra 15 giải pháp nhằm thực hiện Đề án hiệu quả hơn. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề, việc làm, các chính sách, văn bản chỉ đạo hướng dẫn của T.Ư, Ban Chỉ đạo của tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh, hoạt động về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển đào tạo nghề…

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Đồng thời, đồng chí cũng đã chỉ rõ những mặt tồn tại trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT như việc tham mưu, phối hợp với giữa các ngành chức năng còn chậm; chưa phát huy tối đa năng lực của các cơ sở dạy nghề nhằm tham gia đào tạo nghề cho LĐNT…Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền; xác định rõ nhu cầu đào tạo nghề của người lao động ở từng địa phương theo từng năm; tận dụng các cơ sở sẵn có đào tạo nghề sát với thực tiễn, khả năng của người lao động; phấn đấu trên 75% học viên học ra có nghề và có thu nhập ổn định; tăng cường kiểm tra giám sát tránh phát huy hiệu quả trang thiết bị đã được đầu tư; có cơ chế linh hoạt sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề; nhân rộng các mô hình hiệu quả khai thác nguyên liệu sẵn có là lợi thế tỉnh ta.