DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Sơ kết 03 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

30/07/2019 00:00
Ngày 30/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn Luật sư tỉnh; đại diện Phòng Tư pháp thành phố Hòa Bình; 02 Tổ hòa giải thuộc UBND phường Phương Lâm, thành phố Hòa Bình.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta

Sau khi Luật HNGĐ ra đời, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã kịp thời ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật. Công tác xây dựng văn bản đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần đưa Luật đi vào cuộc sống. Về cơ bản, những chính sách lớn của Luật HNGĐ về các quyền nhân thân, tài sản đã được thể chế hóa tương đối đầy đủ, tạo sự thống nhất và đồng bộ hơn của hệ thống pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Công tác phổ biến, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Luật HNGĐ cho các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân được chú trọng thực hiện toàn diện, đồng bộ với nhiều hình thức phong phú, thu được nhiều kết quả tích cực. Quá trình triển khai thi hành Luật cũng phát hiện ra được một số sáng kiến, mô hình hay, cần được nhân rộng.

Theo đánh giá của TAND tối cao từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2018, các vụ việc về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt. Các vụ ly hôn có xu hướng diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ, độ tuổi từ 28-35, thời gian kết hôn ngắn. Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung, riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong công ty…hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng. Nguyên nhân chủ yếu do bất động về quan điểm, lối sống, khó khăn về kinh tế hoặc lý do một bên ngoại tình, không quan tâm chăm sóc bên còn lại, con cái…Mặc dù vậy, hệ thống Tòa án đã giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình đạt hiệu quả cao cả về tố tụng và nội dung giải quyết, quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế được bảo vệ kịp thời. Số vụ bạo lực gia đình giảm qua các năm, cụ thể: năm 2015 có 19.274 vụ, năm 2018 giảm xuống còn 10.366 vụ. Ngoài ra, thực tiễn cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tảo hôn của 53 dân tộc thiểu số lên tới 26,59%. Trong năm 2017-2018, tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên tại bệnh viện ở mức cao với 227 sản phạm. Số sản phụ 17-18 tuổi chiếm 83,5%...

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá thêm những tác động tích cực, nhận diện những vấn đề bất cập, vướng mắc, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháo phù hợp về xây dựng pháp luật, áp dụng luật và nâng cao nhận thức của cơ quan,tổ chức, người dân về pháp luật hôn nhân và gia đình.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu ghi nhận và tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới tiếp tục tăng cường công tác hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa đầy đủ quy định, nội dung của Luật HNGĐ; việc xây dựng Luật, xem xét lồng ghép các chính sách, quy định phải đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật HNGĐ với các văn bản pháp luật khác, góp phần đảm bảo tính khả thi của Luật trong đời sống kinh tế, xã hội. Trên cơ sở những vướng mắc đã nêu, các cấp có thẩm quyền rà soát, nghiên cứu những vấn đề còn bất cập, vướng mắc khác để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật khác có liên quan./.