Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh Hòa Bình đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường. Việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ được cải thiện đáng kể. Mục tiêu chăm lo giáo dục được thực hiện có hiệu quả, chủ trương xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình trường học được phát động với nhiều phong trào như: “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, “Phổ cập giáo dục tiểu học, trung học đúng độ tuổi”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Trường học an toàn”…Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được đảm bảo. Nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được từng bước nâng lên. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được triển khai kịp thời đến các cấp ủy, đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2017, 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 7.897 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà và học bổng với tổng trị giá trên 2,6 tỷ đồng. Nhân Tháng hành động trẻ em, Ngày quốc tế thiếu nhi, các cấp ủy đảng, các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã thăm hỏi và tặng quà cho 50.675 trẻ em trên toàn tỉnh với trị giá gần 2,4 tỷ đồng. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những hành động thiết thực như: sửa chữa lớp học, nhà trẻ, lớp học mẫu giáo, sửa chữa đường đi phục vụ trẻ em đến trường…Tỷ lệ trẻ em được đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 98%, đúng độ tuổi bậc trung học cơ sở đạt 96,2%; 100% trẻ em nhiễm HIV/AIDS được tạo cơ hội đi học theo yêu cầu. Từ nguồn lực của nhiều chương trình khác nhau, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động được trên 2,5 tỷ đồng; tiếp nhận 01 khu vui chơi trẻ em tại trường Mầm non xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy trị giá 80 triệu đồng; hỗ trợ 287 trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt…
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn có một số hạn chế, yếu kém. Nhiều mục tiêu cụ thể, quan trọng được đề ra trong Quyết định số 1971/QĐ-UBND tỉnh ngày 7/12/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2013-2020 thực hiện chưa đạt. Đạo đức, lối sống xuống cấp, lệch chuẩn của một bộ phận trẻ em đã trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng trẻ em phạm tội, trẻ em bị tai nạn thương tích, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn là vấn đề xã hội bức xúc. Các điểm vui chơi, giải trí phù hợp với trẻ em còn thiếu, vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học ở vùng sâu, vùng xa. Nguồn lực trong xã hội dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu .
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đánh giá làm rõ hơn những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế yếu kém cũng như giải pháp, bài học kinh nghiệm nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hướng tới mọi trẻ em đều được bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ và chăm sóc kịp thời…
Các thành viên BCĐ cũng thông qua Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ BCĐ thực hiện Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020 (sau kiện toàn); Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2018-2020. Ký kết phối hợp thực hiện Kế hoạch liên ngành giữa Sở LĐ TB&XH, Y tế, GTVT, Công an tỉnh, VH TT&DL, GD&ĐT, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh.