DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Sản xuất nông nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững

19/01/2010 00:00

Năm 2009, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu và thiên tai có những diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp đã gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, tỉnh ta vẫn duy trì ổn định mức tăng trưởng 4,14%, sản lượng lương thực cả năm đạt 33,7 vạn tấn.

Nông dân xã Nhân Nghĩa học tập mô hình sản xuất giống nông hộ tại xóm Vó Giữa

Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Năm 2009, tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt gần gần 12,5 vạn ha, trong đó diện tích lứa gieo cấy được gần 4,2 vạn ha, ngô 3,4 vạn ha. Cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, duy trì diện tích trồng trọt, tăng cường phát triển chăn nuôi, thuỷ sản và dịch vụ nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 20 vạn con trâu, bò, trên 42 vạn con lợn, 3,7 triệu con gia cầm, 2.100 ha nuôi trồng thủy sản. Công tác trồng mới rừng sau khai thác và trồng rừng phân tán do dân tự đầu tư đạt kết quả khá, đã huy động có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ trồng rừng. Năm 2009, toàn tỉnh trồng mới 9.500 ha, khoanh nuôi tái sinh 5.000 ha, chăm sóc rừng trồng 11.600 ha, độ che phủ rừng đạt 45,5%.

 
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước trở thành một nền kinh tế nông nghiệp phát triển năng động theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới sự phát triển hiệu quả và bền vững. Thực hiện dự án giống lúa, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống sản xuất giống bao gồm Trung tâm Giống cây trồng làm hạt nhân và các HTX dịch vụ sản xuất giống làm vệ tinh. Trong đó, mô hình sản xuất giống nông hộ đã phát triển ở nhiều địa phương, cơ bản đáp ứng được khoảng 30% yêu cầu giống của nông dân. Nhiều giống cây màu có năng suất, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất, như giống ngô lai LVN10, LVN20, giống lạc L12, L14, L18; Đậu tương DT93, DT84,… và nhiều giống rau cao cấp khác.
 
Đáng quan tâm là một số địa phương đã ứng dụng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và rau sạch cung cấp cho những thị trường khó tính và hệ thống siêu thị ở Thủ đô Hà Nội như mô hình trồng rau ngót, quả lặc lày, mướp đắng, bí đỏ... ở Lương Sơn cung cấp siêu thị Big C; mô hình trồng rau an toàn ở xã Bình Thanh cung cấp cho các khách sạn của người Nhật tại Hà nội... Trong chăn nuôi, đã thực hiện dự án xây dựng trại lợn nái giống, mở rộng chương trình Sind hóa đàn bò, phát triển thêm nhiều trang trại lợn giống, lợn thịt tại các huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn. Với điều kiện thuận lợi về mặt nước sông, hồ, tỉnh cũng đã phát triển hiệu quả các mô hình nuôi, trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 lồng cá, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 3.700 tấn các các loại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 521 trang trại, bao gồm 84 trang trại trồng trọt, 80 trang trại lâm nghiệp, 50 trang trại chăn nuôi, 29 trang trại nuôi trồng thuỷ sản và 278 trang trại tổng hợp. Các trang trại đã đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển nông nghiệp của tỉnh.
 
Một trong những mặt tích cực của sản xuất nông nghiệp, đó là tỉnh đã là tốt công tác bảo vệ thực vật. Mặc dù tình hình sâu bệnh trên cây trồng diễn biến phức tạp, song nhờ thường xuyên dự tính dự báo, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời nên không để lây lan ra diện rộng, góp phần quan trọng bảo đảm năng suất lúa, cây trồng. Hệ thống thú y được củng cố, tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao. Mặc dù dịch tai xanh, cúm gia cầm bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố song do thực hiện tốt tiêm phòng, vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng nên không xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Các địa phương và đơn vị thuỷ nông tích cực nạo vét sông trục, khơi thông dòng chảy, sửa chữa nâng cấp máy bơm, điều tiết nước hợp lý đã khắc phục kịp thời tình trạng khô hạn trong vụ đông xuân. Các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai thực hiện tích cực.
 
Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công tác khuyến nông, khuyến ngư được quan tâm. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ, xuất khẩu được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đòi hỏi cần có quyết tâm cao với nhiều giải pháp tích cực. Trong đó tập trung tăng đầu tư cho sản xuất và hỗ trợ sản xuất, nghiên cứu việc thực hiện dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất và các cơ chế chính sách đi kèm, đồng thời với việc rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tạo nền tảng cho việc sản xuất hàng hoá theo hướng thị trường và phát triển bền vững. Phát triển sản xuất gắn với thị trường, khai thác lợi thế cạnh tranh gần các thành phố lớn và các khu công nghiệp để sản xuất nông sản phù hợp, ưu tiên nguồn vốn cho các ngành nghề thu hút nhiều lao động, các dự án phục vụ chế biến, bảo quản nông sản, thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng; đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao; ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, giao thông, các công trình phúc lợi, từng bước hiện đại hoá cơ sở hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình nông thôn mới, dự án phát triển ngành nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.  
 
Để xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả bền vững, trong điều kiện ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn sự bất lợi của thời tiết, các địa phương cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; chú trọng phát triển ngành nghề ở nông thôn, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, thuỷ nông, thú y, tiêu thụ nông sản... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; chỉ đạo sản xuất đảm bảo lịch thời vụ. Ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đê kè bờ sông nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Sử dụng có hiệu quả các nguồn nước để tưới, tiêu chủ động phục vụ sản xuất; thực hiện các biện pháp chống hạn, kiểm tra và tu bổ các công trình thuỷ lợi trước lũ đảm bảo vận hành an toàn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với nông dân và ngư dân theo chủ trương của Chính phủ. Về lâu dài, định hướng kinh tế nông – lâm - ngư nghiệp đến năm 2015 của tỉnh xác định phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Do đó phải đẩy mạnh đầu tư thâm canh chiều sâu; tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, diện tích cây công nghiệp, tiếp tục trồng mới rừng tập trung và cây phân tán, tăng sản lượng khai thác thủy sản. 
 
Cùng với các giải pháp trên là tập trung xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia; đa dạng hóa các loại hình kinh tế, phát triển các loại hình doanh nghiệp ở nông thôn; nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại; phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn; đào tạo nghề và tạo việc làm cho một bộ phận lao động nông thôn chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã bãi ngang, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số.