Nghề gia truyền
Một trong những thợ săn nổi tiếng nhất phải kể đến anh em nhà Nguyễn Văn Tam người huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. 40 năm tuổi đời thì đã có 30 năm trong nghề săn chim trên các đỉnh núi cao chót vót. Trước kia, khi chưa ai phát hiện ra chim quý trên đỉnh Cấm Sơn, anh Tam cũng như người em trai của mình là Nguyễn Văn Tứ phải đi khắp các vùng núi ở Hòa Bình để "tìm nguồn".
Anh Tam cho biết, nghề săn chim nói qua có vẻ dễ nhưng để tồn tại được thì không phải đơn giản. Những năm 2000, huyện Lạc Thủy có hàng trăm thợ săn chim nhưng đến nay con số ấy chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Nhiều thợ săn phải bỏ nghề vì nguồn chim quý đã cạn kiệt, muốn sống được phải treo mình trên các đỉnh núi cao, vừa khó lại nguy hiểm.
Săn chim vốn là nghề gia truyền của gia đình anh Tam. Thời Pháp thuộc, ông nội anh đã phải gia nhập đội săn chim để lên các vùng núi hoang vu tìm chim quý cống cho bọn quan Tây mang về nước. Sau này, ông nội có truyền nghề lại cho con trai để kiếm kế mưu sinh. Đến khi Tam lên 10 tuổi thường được cha cho đi theo trong các cuộc săn chim vùng Sơn La, Lai Châu...
Hiện nay, thú chơi chim khá thịnh hành nên nguồn chim quý cũng cạn dần. Anh Tam cùng người em đã phải phiêu bạt khắp nơi tìm nguồn chim độc về thuần dưỡng để bán kiếm lời.
Đổi đời nhờ... chim
Tuy không phải sinh ra trong gia đình có nghề săn chim nhưng Đặng Văn Điều ở xã Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam) lại phất lên nhờ săn được nhiều chim quý trên đỉnh Cấm Sơn.
Ngôi nhà 3 tầng vừa sơn màu phớt hồng là kết quả cho 8 năm lặn lội chui rúc trong các hang sâu trong vùng núi Cấm. Vào năm 2002, thấy thanh niên trong xã lên núi với đủ thứ đồ nghề để săn chim về bán, Điều đã xin đi theo học nghề. Mất 2 năm anh mới thành thạo và độc lập trong những chuyến săn dài ngày.
Nghiên cứu kỹ lối lên trước khi bắt chim
Điều cho hay, mỗi chuyến săn kéo dài hàng tuần, nếu may mắn bắt được năm ba con yểng hoặc vài con công thì tiền lãi được khoảng chục triệu. Một con chim yểng chưa thuần chủng có giá từ 1 - 2 triệu đồng, vẹt nước thì rẻ hơn khoảng 500.000đ/con. Nếu bắt được chim công thì coi như phát tài, giá mỗi con thuần chủng cũng lên tới chục triệu đồng. Nhưng loài chim công rất khó nuôi, trong quá trình thuần chủng nếu không cẩn thận là công tự cắn lưỡi chết.
Ở Ba Sao, số thợ săn chim không nhiều nhưng hầu như ai làm được nghề này cũng sung túc, no đủ. Đơn cử như Hoàng Văn Thái ở xóm 3, Nguyễn Trường Giang ở xóm 6. Đặc biệt là Trần Viết Nhật ở xóm 1 giàu có tiếng vì là thợ săn lão luyện lại kiêm nghề buôn chim, thợ nào có chim đẹp là Nhật có mặt để "hót hàng" ngay.
Vắt mình trên mỏm đá
Loài chim yểng thường làm tổ trong những hốc đá lưng chừng núi được bao bọc bởi mây rừng. Bắt được yểng không đơn giản, thợ săn phải chuẩn bị đủ đồ nghề gồm: Dây thừng bọc dù, dao phát mây, mũi khoan đá... và rất nhiều những thứ lỉnh kỉnh khác.
Sau khi thăm dò vị trí tổ chim, thợ săn phải nghiên cứu kỹ lưỡng đường lên và các mỏm đá để quăng dây. Đồng thời, các mũi khoan tự động rất cần thiết giúp người thợ tạo điểm đứng tại các vị trí trơn trượt. Giá mỗi chiếc khoan đá đặc chủng ấy cũng lên tới gần chục triệu đồng.
Ông Pháo chuyển làm chẻ đá vì săn chim rất nguy hiểm
Nhìn thợ săn Đặng Văn Điều đu mình lơ lửng giữa vách núi mà chúng tôi vừa ớn lạnh vừa lo lắng. Quan sát kỹ thấy Điều như "người nhện", dựa vào những chiếc dây thừng bọc dù, anh leo lên thoăn thoắt đạp chân vào những mỏm đá đưa mình sang trái, sang phải. Chiếc khoan đá đem theo bên mình trở thành người bạn hữu dụng, ở những vị trí trơn trượt, Điều lấy mũi khoan cắm vào đó những thanh sắt bằng ngón tay út làm điểm tựa để nghỉ dưỡng sức.
Điều chia sẻ, thợ săn chim núi phải có thần kinh khoẻ, nhịp tim tốt... nếu không hội tụ đủ tố chất sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Khi leo lên cao, áp suất giảm xuống do không khí loãng ra, khi nhìn xuống dưới thấy sâu hun hút, người bình thường bị chóng mặt nên rất dễ run tay và ngã.
Cái giá phải trả
Theo tổng kết của một số cao niên sống ở khu vực núi Cấm thì số người bị chết do leo núi bắt chim không phải là ít. Còn những người bị ngã núi dẫn đến tàn tật thì có đến hàng chục.
Ông Nguyễn Hoằng Pháo, người xã Thi Sơn (Kim Bảng), trước đây cũng làm nghề săn chim, trong một lần leo núi, chẳng may mỏm đá buộc dây bị bở nên kéo cả ông nhào xuống. May sao, chỗ ông Pháo bị rơi là bụi cây rậm rạp, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chân trái bị gẫy. Ông bỏ hẳn nghề săn chim từ đó và chuyển sang nghề chẻ đá. Tuy vất vả nhưng không nguy hiểm như đi săn chim.