DetailController

Khoa học - Môi trường

Rừng cao su ở Cao Phong chết do sương muối

10/11/2011 00:00
Theo lời chỉ dẫn của người dân xóm Bưng, xã Thu Phong (Cao Phong) vượt qua con đường mòn quanh co, chúng tôi mới đến được khu đồi Nguyệt. Đây là điểm trồng 10 ha cây cao su của Hội Kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh. Đứng dưới chân đồi nhìn lên cả một màu xanh mướt của mía, sắn và cỏ dại. Loanh quanh ở khu đồi một lúc, tôi gặp chị Bùi Thị Mai đang thả trâu dưới chân đồi. Vạch những khóm mía, bụi sắn, chúng tôi mới tìm được những gốc cây cao su to bằng cổ tay còn sót lại. Cây nào cũng khô cong, bị chặt gần sát gốc. Có những cây to bằng cái phích cũng bị chém ngang thân, ai nhìn thấy cũng phải xuýt xoa vì tiếc. Thỉnh thoảng còn gốc cây cao su nảy mầm trở lại. Chị Mai thở dài bảo: Năm đó, bên dự án đưa cây cao su về, cả xóm đều có việc từ trồng, làm cỏ, bón phân cho cây. Cũng theo chị Mai, đất ở đây tốt lắm. Cây cao su lớn nhanh như thổi. Chỉ sau 3 năm, thân cây đã cao mấy mét, có những cây cao tới 5 m. Nhìn rừng cao su xanh tốt khép tán, người dân ai cũng mừng vì đến lúc thu hoạch.
Chỉ còn một vài gốc cây cao su sống sót lại ở khu đồi Nguyệt, xóm Bưng, xã Thu Phong (Cao Phong).

Vào dịp đầu năm nay, cả rừng cao su héo lá, rồi rụng sạch, cả cây cao su trơ trọi, khẳng khiu. Chưa trồng cao su bao giờ, họ tưởng là cây cao su thay lá. Khi mùa hè tới, cả rừng cây cứ khô quắt lại, chẳng thấy chồi non nào nhú lên. Cây cao su như bị một loại côn trùng nào đó hút hết nhựa sống, từ màu xanh chuyển sang màu xám. Chỉ đến khi cán bộ dự án về xác định rừng cao su đã chết cả nên người dân mới biết.

 

Chị Bùi Thị Thao, nhà ở xóm Bưng được dự án giao trông nom rừng cao su. Nhà chị ở gần đồi cao su. Xung quanh nhà chất đầy củi. Cây củi nào cũng thẳng tắp, cây nhỏ bằng cái ấm, cây to bằng cái phích. Chị Thao đang nấu cám lợn. Vừa vun lại cái bếp đang cháy rừng rực, chị mới ngẩng lên bảo người khách lạ: Bao năm sống ở rừng, tôi chưa bao giờ thấy loại củi nào cháy như gỗ cao su. Vừa đượm lửa lại có mùi thơm, chỉ cần mồi tí lửa là cháy rồi. Khi nhắc tới dự án cao su, giọng đượm buồn, chị kể: Năm 2009, bên dự án đưa máy ủi, máy xúc về khu đồi Nguyệt làm đường băng trồng cây cao su. Sau 2 mùa mưa, giống cây cao su này lớn như thổi. Rừng cây cao su tươi tốt, chị Thao cũng mừng vì chỉ vài năm nữa thôi là cây có mủ. Nghe đâu mủ cao su được các bác dự án gọi là “vàng trắng” thì quý lắm.

 

Đầu năm nay, sau một trận rét, cao su dần chết khô khiến chị chẳng thiết làm việc gì. Tiếc của, chị mới bảo mọi người vác dao lên rừng chặt cây về làm củi. “Xót ruột lắm. Không phải rừng cây của mình, song thấy cây lớn nhanh rồi toả bóng mát, giờ chặt làm củi không buồn sao được. Cả 10 ha chứ đâu có    ít” - Chị Thao buồn rầu nói.

 

Ông Nguyễn Dương Hùng, Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc Sở Khoa học và công nghệ cho biết: Đây là dự án trồng thử nghiệm của Hội KH -KT lâm nghiệp với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Sau 3 năm, cây phát triển tốt, Sở đang làm thủ tục để tiếp tục cấp kinh phí thì cây chết. Nguyên nhân là do sương muối, là cây nhiệt đới, do vậy không chịu được sương muối. Đây là thực trạng của cây cao su ở một số tỉnh phía Bắc. Có khi trên cùng một quả đồi một bên bị sương muối thì cây chết, còn bên kia thì không. Để trồng cao su tránh sương muối là việc không thể. Ngoài ra, đất trồng cao su đòi hỏi phải có quy hoạch lâu và quỹ đất lớn...