Theo đó, các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với sử dụng công trình, nhà ở đối với công trình, nhà ở trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng bao gồm: Các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét (khu vực lòng, ven sông, suối; khu vực có địa hình, địa chất không an toàn đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, khuyến cáo) không được xây dựng công trình, nhà ở tại khu vực trên. Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt: Công trình, nhà ở phải được thiết kế xây dựng theo tiêu chí nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, có thể chịu được các lực nhất định do dòng chảy hoặc áp lực nước gây ra. Bảo đảm sàn nhà sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất (theo quan trắc hoặc theo dõi trong vòng từ 5 năm trở lên) tại vị trí xây dựng.
Các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở đang thi công xây dựng: Công trình, nhà ở đang thi công xây dựng phải lập và thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận, đặc biệt công tác bảo đảm an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão. Đối với công trình, nhà ở phải đảm bảo các thành phần khi thi công xây dựng chống được tác động của thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lốc, sét, lũ, ngập lụt, sạt lở đất: Các thành phần có thể sử dụng tùy theo điều kiện từng hộ gia đình như: Móng làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá; cột, tường làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá, sắt/thép/gỗ bền chắc; sàn làm bằng bê tông cốt thép/gỗ bền chắc; mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão; khuyến khích sự sáng tạo trong xây dựng công trình, nhà ở thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các nguyên vật liệu của địa phương đã được xây dựng đảm bảo an toàn.
Các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở hiện có: Thường xuyên quan trắc, quan sát biến dạng của công trình, nhà ở; kiểm tra hệ thống điện và đánh giá chất lượng công trình, bộ phận công trình, nhà ở; có biện pháp gia cố, giằng chống đồng thời cắt, tỉa cây xanh để bảo đảm an toàn khi xảy ra các loại hình thiên tai như bão, lốc, sét… đặc biệt là nhà ở, công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao. Định kỳ tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước xung quanh khu vực nhà ở, công trình. Trước mùa mưa lũ phải kiểm tra, rà soát và có biện pháp khắc phục sự cố kịp thời. Có phương án sơ tán người, tài sản khi xảy ra thiên tai; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Lắp đặt hệ thống chống sét cho công trình, nhà ở: Đối với công trình đã lắp đặt cần thường xuyên kiểm tra để đảm bảo kết cấu; đối với công trình chưa thực hiện lắp đặt cần tiến hành lắp đặt phù hợp với công trình, nhà ở.
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định. Đồng thời khi cấp phép xây dựng công trình, nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân phải đưa các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở; hướng dẫn một số giải pháp về kỹ thuật xây dựng phòng và giảm thiểu thiệt hại do gió, bão cho nhà ở và công trình, phân loại nhà ở an toàn chịu gió, bão theo hướng dẫn của Viện Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Bộ Xây dựng. UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở trên địa bàn tỉnh; thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở; phân công, phân cấp trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý Nhà nước về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở do địa phương quản lý; quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn thích ứng với đặc điểm thiên tai trên địa bàn, bảo đảm phát triển bền vững; tổ chức thường trực, chỉ huy công tác ứng phó thiên tai; tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân do thiên tai gây ra; thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công trình, nhà ở./.