Câu hỏi thứ nhất của tôi liên quan tới việc tăng giá cước của dịch vụ 3G. Trong thời gian gần đây sự bùng nổ của các dịch vụ OTT như Viber, Skype, Facebook đã cung cấp cho người dùng các dịch vụ tiện ích như nhắn tin hay thực hiện các cuộc gọi nội địa cũng như quốc tế miễn phí qua internet. Do số lượng người dùng Smartphone tăng nhanh kết hợp với giá cước 3G của chúng ta trong thời gian qua là hợp lý nên số lượng người sử dụng các dịch vụ này tăng mạnh. Tuy nhiên nếu xem xét vấn đề này ở góc độ khác thì lại nhận thấy nếu các dịch vụ OTT này càng mang lại nhiều lợi ích cho người dùng thì nó lại ngày càng làm giảm doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông. Xin dẫn chứng số liệu 6 tháng đầu năm 2013 các dịch vụ OTT đã làm giảm doanh thu của Viettel khoảng 1.500 tỷ đồng và Mobiphone khoảng 1.000 tỷ đồng, VNPT mất 9-10% doanh thu. Câu hỏi là ở góc độ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp viễn thông trước thực tế như vậy Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp này xây dựng kế hoạch hành động gì? thực hiện các giải pháp nào để bù đắp phần doanh thu bị giảm này và việc tăng giá cước 3G trong thời gian vừa qua khi chất lượng 3G chưa được cải thiện có phải là một trong những giải pháp như tôi đã nêu ở trên để giảm doanh thu?
Câu hỏi thứ hai, liên quan tới thời điểm triển khai mạng di động thế hệ thứ 4, 4G sau 4 năm thực hiện triển khai mạng di động thế hệ thứ 3 thì 3G đã được phủ sóng gần như trên toàn quốc và có số lượng người dùng tăng mạnh. Năm 2012 tăng 5 lần so với năm 2011. Có thể đánh giá các doanh nghiệp viễn thông đã không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế và vẫn có mức tăng trưởng khá, tuy nhiên khi bàn tới vấn đề nâng cấp mạng di động và triển khai mạng 4G tại Việt Nam thì bộ thường nêu quan điểm cần có thời gian để khai thác hiệu quả hạ tầng đầu tư và khấu hao thiết bị, nếu so sánh với Thái Lan thì mới chính thức cung cấp dịch vụ 3G từ tháng 5 - 2013 nhưng họ đã có kế hoạch chính thức cung cấp 4G vào năm 2015 tôi hết sức băn khoăn trước quan điểm này của Bộ. Vậy câu hỏi là Bộ đã có những chuẩn bị gì để triển khai 4G vào thời điểm nào 4G sẽ được chính thức cung cấp tại Việt Nam. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trả lời:
Tôi xin trả lời câu hỏi thứ nhất, việc điều chỉnh cước 3G trong thời gian vừa qua có thể nói tạo nên một sức nóng hay các dư luận xã hội rất quan tâm khi các nhà mạng chúng ta tăng cước. Thị trường viễn thông ở Việt Nam là một thị trường chúng ta phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua mà giá cước viễn thông của chúng ta có thể nói từ khi phát triển đến nay hầu như chúng ta không tăng mà trong các báo cáo thống kê hàng năm giá cước viễn thông đều giảm. Trong thời gian vừa qua chúng ta có tăng giá cước viễn thông, việc tăng giá cước viễn thông này có thể nói:
Thứ nhất, đây là một chủ trương chung của nhà nước chúng ta dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với quy định hiện hành, phù hợp với Điều 43 của Luật viễn thông, phù hợp với Điều 38 của Nghị định 25 và đồng thời cũng là phù hợp các văn bản Điều 5 của Luật giá, phù hợp với Điều 13, Điều 19, Điều 20 của Luật cạnh tranh và đồng thời cũng phù hợp theo những cam kết quốc tế của Việt Nam. Như vậy, chúng ta không thể bán dưới giá thành, vì theo quy định như hiện nay là tất cả các loại mặt hàng để không được cạnh tranh và không được bán dưới giá thành.
Vừa qua các dịch vụ của chúng ta, đặc biệt dịch vụ 3G của chúng ta một sản phẩm mới ra đời thì còn có các giai đoạn: thời kỳ bắt đầu ra đời, thời kỳ tăng trưởng, thời kỳ bão hòa và thời kỳ suy thoái. Thời kỳ đầu tiên chúng ta phải giảm giá, các nhà mạng giảm giá để thu hút những người thuê bao và sau đó tăng giá dần lên, nhưng chúng ta giảm quá lâu để ngay từ khi chúng ta ra đời 3G từ cuối năm 2009 - 2010 đến nay chưa có tăng giá lần nào mà giá đó đều giá rất cạnh tranh, đều giá của các nhà mạng và nhà mạng này chi phối thị trường. Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32 để chúng ta quy hoạch lại thị trường viễn thông đến năm 2020 trong Quyết định số 32 đó có yêu cầu chúng ta phải từng bước nâng giá viễn thông để bảo đảm nâng giá viễn thông bằng và trên giá thành để bảo đảm cho thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.
Trong Luật cạnh tranh các nhà chiếm lĩnh thị trường không được bán dưới giá thành, chúng ta điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Giá của chúng ta so với giá thế giới chúng ta đã thấp hơn giá thế giới rất nhiều lần. Cụ thể giá viễn thông của chúng ta thấp hơn thế giới với khối ASEAN là 34,9 lần, với thế giới là khoảng 34 - 57 % Châu Á, Thái Bình Dương và có thể nói thấp hơn giá thành, chúng ta chỉ bán chưa đầy 50% giá thành, chúng ta nâng giá lên cũng chưa đầy đủ giá thành. Đấy là thực tế trong những năm vừa qua, trong 3G. 3G vừa qua chúng ta nâng lên trong số 3G mà hiện nay cước phát sinh của tất cả các nhà mạng viễn thông, hiện nay chúng ta trong tháng 9 mới có trên 90 triệu thuê bao, trong đó chỉ có gần 19 triệu thuê bao là 3G, trong 3G đó chúng ta chỉ nâng gói cước 3G ở nhóm dùng truyền số liệu thôi, truyền ảnh và internet còn thoại vẫn để nguyên.
Trong gói cước đó có gói tăng, gói giảm. Tổng cộng lại chúng ta tăng khoảng 20%. Sau một tháng tăng cước vừa qua, như Viettel mới báo cáo của chúng tôi, tăng giá cước phần truyển số liệu tăng doanh thu đơn thuần 20%. Như vậy, chúng ta tăng tất cả khoảng 20% chứ không phải tăng như tất cả chúng ta vừa nêu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp báo, đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa tài liệu cụ thể cho các báo chí về vấn đề này. Như vậy, có thể nói tăng giá cước 3G là việc làm bình thường trong cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Còn một yếu tố xã hội nữa chúng ta thấy tất cả các nhà mạng này đều là của nhà nước, có tăng giá cước lên cũng góp phần đóng góp nhiều cho nhà nước. Trong mạng viễn thông hiện nay các cơ quan doanh nghiệp viễn thông cũng là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều cho đất nước.
Năm 2012 VNPT đóng góp khoảng 7.300 tỷ cho đất nước, Viettel đóng góp 11.300 tỷ cho đất nước, có thể nói nhà mạng của chúng ta đóng góp cho đất nước mà phù hợp với Luật viễn thông, chúng ta thấy chia sẻ với các nhà mạng là tất cả các nhà mạng chúng ta, hạ tầng viễn thông của chúng ta hầu như thiết bị nhập ở nước ngoài, 80% nhập ở nước ngoài, giá nước ngoài là giá cao, tất cả chúng ta dùng dịch vụ internet nhà mạng phải thanh toán tiền internet với quốc tế vì quốc tế cung cấp cho chúng ta, chính vì vậy nhà mạng không thể thanh toán giá cao mà bán giá thấp được, cho nên chúng ta phải chia sẻ với nhà mạng để từng bước theo giá thị trường. Đồng thời tăng gói cước vừa qua cũng là tăng với những người có thu nhập cao cùng smartphone, nó ảnh hưởng nhóm người đó và chúng tôi đã báo cáo chi tiết trong cuộc họp báo hôm trước. Việc tăng giá cước này như đại biểu Hải hỏi là có ảnh hưởng tới OTT không? Có thể nói OTT là một dịch vụ, một sự phát triển mới trong ngành viễn thông. Hiện nay người ta vẫn hỏi OTT này có phải doanh nghiệp kinh doanh viễn thông hay kinh doanh hệ thống số? Câu hỏi chưa được ai trả lời. Hiện nay OTT đang lợi dụng các mạng viễn thông của chúng ta để kinh doanh dịch vụ này, đó là thực tế. Nhà nước ta không có chủ trương ngăn cản OTT và người dân vẫn dùng OTT để gọi điện thoại quốc tế, nội hạt và chuyển thư, chuyển ảnh trên OTT này. Nhưng chúng ta chấp nhận đây là sự phát triển mới tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như chúng ta chấp nhận giá dịch vụ của điện thoại di động ngày càng phát triển thì giá dịch vụ của cố định ngày càng mất đi, thị phần điện thoại cố định mất đi, bây giờ chúng ta cũng thế, chấp nhận cuộc chơi này để từng bước quản lý.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi đang từng bước triển khai, giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu quy định để làm sao quản lý dịch vụ OTT này vào Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp OTT cùng chia sẻ với hạ tầng mạng của chúng ta, chia sẻ thu nhập với các mạng viễn thông của chúng ta đang cho OTT chạy trên mạng viễn thông này để kinh doanh. Bộ Thông tin và Truyền thông mới ra Chỉ thị số 75 để quản lý dịch vụ thông tin cụ thể trên mạng, thực tế là các thông tin giao dịch quốc tế trên mạng, đó cũng là từng bước để quản lý OTT. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá, nhận diện OTT, đề xuất với nhà nước cách thức quản lý OTT sao cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận dịch vụ, tiện ích này, đồng thời cũng chia sẻ với đất nước ta, với nhà mạng chúng ta. Như vậy, việc tăng cước này không phải chỉ vì OTT mà chúng ta chính là tăng theo lộ trình, theo quy định, theo luật. Còn OTT này chúng ta sẽ tiếp tục quản lý. Đương nhiên OTT vì kinh doanh dịch vụ trên mạng không đóng góp cho nhà mạng, miễn phí nên dẫn đến giảm cước. Hiện nay thế giới họ tính rằng OTT đã làm ảnh hưởng đến thu nhập các nhà mạng trên toàn thế giới, năm 2012 khoảng 20 tỷ và dự kiến năm 2016 khoảng 54 tỷ đô la. Như vậy, chúng ta không thể không có những chế tài để làm sao hợp tác với OTT và OTT phải có trách nhiệm xã hội với các nhà mạng chúng ta trong thời gian tới. Tôi xin giải thích về tăng giá cước 3G đó là phù hợp với quy định và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Còn nội dung 4G có thể nói 4G ở đây thì chúng ta có thể nói là chúng ta thấy 4G là khi điện thoại di động phát triển từ năm 1940 và đến năm 1970 chính thức bắt đầu kinh doanh thương mại ở Mỹ, đấy là thế hệ thứ nhất 1G.
Thế hệ thứ hai 2G bắt đầu kinh doanh ở các nước từ những năm 90 đến 95.
Thế hệ 3G bắt đầu kinh doanh của những năm 2000 và bây giờ là tiền 4G.
Việt Nam chúng ta vào đâu? Việt Nam chúng ta đã vào 2G ngay từ đầu tiên khi chúng ta có nhà mạng Mobifone năm 1993, chúng ta đã vào, chúng ta đã chọn đi tắt đón đầu ngay và chúng ta với chương trình tăng tốc của Bộ Bưu chính viễn thông lúc đó, Tổng cục Bưu điện lúc đó thì chúng ta đã đưa nhà mạng chúng ta Mobifone và chúng ta tiếp nhận ngay công nghệ 2G ngay từ năm 1993. Có thể nói từ đó đến nay chúng ta đã đưa ngành thông tin truyền thông, đặc biệt điện thoại di động đã phát triển rất mạnh mẽ từ một dịch vụ rất cao cấp trước đây, bây giờ trở thành dịch vụ bình dân của mọi người ở mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng có thể dùng, không phải dùng một điện thoại mà có thể dùng nhiều điện thoại, đó là thực tế của chúng ta như vậy.
Mobifone của chúng ta ngay đầu tiên đến năm 1995 thì Mobifone đã kết hợp với một nhà mạng dịch vụ có nổi tiếng ở Thụy Điển, cho nên chúng ta trong 10 năm qua thì Mobifone đã học tập được kinh nghiệm, được đầu tư, đặc biệt cách quản trị kinh doanh mạng viễn thông, cho nên Mobifone đã phát triển rất mạnh mẽ, đem lại một sức sống rất mạnh mẽ cho dịch vụ di động ở Việt Nam. /
Đến năm 1995 thì Vinafone cũng ra đời và sau này tiếp đó vào Việt Nam Mobile và S-fone của Thành phố Hồ Chí Minh cũng ra đời và đặc biệt Viettel của chúng ta ra đời ngay từ năm 1995 được nhà nước chúng ta ký quyết định thành lập Công ty điện tử viễn thông Quân đội năm 1995, do nhiều lý do đến năm 2004 thì Viettel bắt đầu đi vào hoạt động và từ đó đến nay, từ 2004 thì trên thị trường chúng ta luôn luôn có ba nhà mạng: Viettel, Mobile và Vina, 3 nhà mạng làm chủ thị trường viễn thông. Hiện nay có thể nói đây là một thị trường phát triển rất mạnh mẽ, có sức cạnh tranh rất lớn ở Việt Nam và khu vực. Viettel của chúng ta không chỉ thành công trong nước, còn đầu tư ra nước ngoài. Hiện nay ngành dịch vụ viễn thông của chúng ta có thể nói là một trong số ít ngành chúng ta thắng trên sân nhà. Trong tương lai gần 5 - 10 năm nữa chưa chắc có một doanh nghiệp viễn thông nào quốc tế có thể vào để cạnh tranh với 3 nhà mạng của chúng ta. Hiện nay có thể nói 3 nhà mạng của chúng ta đang phát triển rất mạnh mẽ, tương đối. Đặc biệt tới đây Thủ tướng Chính phủ sẽ ký đề án, chúng tôi đã trình đề án để tái cơ cấu Tập đoàn VNPT trong đó đặc biệt đối với mạng viễn thông Mobile và Vina. Chúng tôi tin tưởng rằng sau đề án này thì thị trường viễn thông của chúng ta ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, các nhà mạng của chúng ta sẽ phát triển hơn nữa.
Tại sao chúng ta vào 4G lúc nào? Chúng ta thấy rằng với một công nghệ mới ra đời thì đương nhiên chúng ta, những nước đi sau phải học tập, phải tiếp cận công nghệ đó, nếu chúng ta có đủ điều kiện. Công nghệ 4G hiện nay mới ra đời và đây gọi là tiền 4G chứ chưa phải là hoàn toàn 4G theo đánh giá về công nghệ của tổ chức liên minh viễn thông thế giới vừa qua. Chúng ta thấy rằng hiện nay chúng ta đang sử dụng cũng như là đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói là Thái Lan người ta đã sử dụng mới vào 3G nhưng họ đã chuẩn bị dùng 4G rồi, Thái Lan mới vào 3G từ tháng 3 và họ đã chuẩn bị để vào 4G năm 2015. 4G này thực tế là tiền 4G chứ chưa phải hoàn toàn là 4G, chúng tôi đã nghiên cứu khảo sát theo đánh giá của tổ chức viễn thông quốc tế đây là tiền 4G, về lý do thương mại gọi là 4G chứ chưa phải là hoàn toàn 4G. Cho nên chính vì vậy thực hiện Quyết định số 32 về quy hoạch viễn thông từ nay đến năm 2020, trong đó có nói từng bước chúng ta nghiên cứu các dịch vụ mới để áp dụng vào Việt Nam, tới đây chúng ta sẽ áp dụng 4G theo lộ trình của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2015 chúng ta sẽ ứng dụng 4G vào Việt Nam nhưng phải căn cứ vào trong tình hình cụ thể.
Dưới sự chỉ đạo đó hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho một số doanh nghiệp làm thí nghiệm, thử nghiệm 4G này tại Việt Nam, chúng ta chưa làm được 4G. Hơn nữa hiện nay cũng có một lý do như đại biểu Hải có nêu là trong khi làm 3G các nhà mạng chúng ta đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD, hiện nay chúng ta khoảng 19 triệu dùng 3G, cho nên mật độ đó chưa đủ điều kiện để các nhà mạng thu hồi vốn, trong đó chúng ta chưa có vốn để hoàn chỉnh cho nên thời điểm làm 4G chưa tới và dự kiến chúng ta sẽ làm 4G nhưng khoảng năm 2015./.