Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Trên cơ sở gợi ý thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Đoàn Thư ký kỳ họp. Đại biểu Đinh Thế Huynh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình có một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo, như: Giữ nguyên Điều 9 và Điều 10 và đại biểu nhấn mạnh, Điều 9 quy định chung về các tổ chức chính trị - xã hội với tư cách là các tổ chức đại diện cho các lực lượng xã hội đông đảo nhất trong mối quan hệ gắn bó, cùng phối hợp và thống nhất hành động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam như Dự thảo đã công bố để tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn; Về nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển; Về thu hồi đất là vấn đề quan trọng, vừa liên quan đến quyền sở hữu toàn dân về đất đai, vừa liên quan đến quyền của người sử dụng đất. Đề nghị Quốc hội quy định cơ chế thu hồi đất vì, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Tuy nhiên, để bảo đảm việc thu hồi đất không bị lạm dụng, đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc của việc thu hồi, bồi thường, đó là “Việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật”; nội dung cụ thể về điều kiện và thể thức thu hồi, bồi thường sẽ được xác định trong luật. Về Chính quyền địa phương (phương án 1) đề nghị giữ quy định về đơn vị hành chính và quy định khái quát về việc tổ chức chính quyền địa phương. Theo phương án này thì Chương IX gồm 2 điều, một điều quy định về đơn vị hành chính, một điều quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định.
Qua ý kiến của đại biểu Đinh Thế Huynh, các đại biểu thảo luận tại tổ đều đồng tình cao và các đại biểu Bùi Văn Tỉnh, Nguyễn Tiến Sinh, Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã đưa ra một số ý kiến để Dự thảo xem xét sửa đổi bổ sung, cụ thể:
Về lời nói đầu: Đề nghị viết lại Lời nói đầu thật cô đọng, súc tích theo hướng ghi nhận một cách tổng quát mục tiêu sửa đổi Hiến pháp, định hướng phát triển của đất nước và vai trò của nhân dân trong việc xây dựng và thi hành Hiến pháp.
Về Điều 4 các đại biểu đều khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là hết sức cần thiết và không thể thay thế. Đề nghị bổ sung, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng phải thể hiện như thế nào cho rõ, rành mạch hơn để nhân dân tin tưởng hơn về cơ chế giám sát Đảng như thế nào. Ai giám sát và cơ chế giám sát có được không? Nếu Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân thì phải làm rõ ai đứng ra giám sát và tổ chức giám sát như thế nào?. Đồng thời dự thảo cũng cần cân nhắc để làm rõ khái niệm của khoản 3 Điều này về các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Liên quan tài chính - ngân sách đại biểu Bùi Văn Tỉnh cho rằng, để nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp được quy định rõ ràng hơn, đơn giản hóa các thủ tục trong công tác lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước; đồng thời giúp mỗi cấp có thời gian và điều kiện xem xét chi tiết, kỹ lưỡng ngân sách cấp mình, tăng tính công khai, minh bạch của NSNN, theo hướng Quốc hội chỉ quyết định dự toán, phân bổ, phê chuẩn quyết toán đối với ngân sách T.Ư, đối với ngân sách địa phương (cấp tỉnh) do HÐND quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của NSNN, những vấn đề lớn, mang tính nguyên tắc sẽ do các cơ quan T.Ư quyết định thống nhất trong phạm vi cả nước như: Ðịnh mức phân bổ ngân sách làm căn cứ xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan T.Ư và các địa phương; những chế độ chi ngân sách quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của cả nước, thí dụ như trình tự, thủ tục lập dự toán, chấp hành ngân sách, kế toán, kiểm toán, quyết toán và công khai ngân sách hằng năm đối với từng cấp ngân sách Trung ương và địa phương...
Liên quan đến các quy định về chính sách Dân tộc, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng: Quyền xác định dân tộc; về quyền bảo tồn phát huy và phát triển văn hóa, giáo dục của đồng bào dân tộc thiểu số; quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội và nhưng quy định bổ sung, sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc….Đề nghị Dự thảo bổ sung quy định Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội; giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đề nghị giữ nguyên Điều 66 của HP 1992 và đề nghị Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng có liên quan đối với TN nói chung và TN vùng đồng bào dân tộc ít người nói riêng.
Các nội dung về chế độ kinh tế; phát triển công nghệ; về bộ máy Nhà nước; cơ quan bảo vệ Hiến pháp; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp; về chính quyền địa phương... và hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài cũng đã được nhiều đại biểu đề cập, đóng góp sâu sắc. Các đại biểu cơ bản đồng tình với các yêu cầu, quan điểm và phạm vi nội dung sửa đổi mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định, đồng thời góp ý cụ thể về các chương, điều trong dự thảo về các nội dung sửa đổi, bổ sung, quy định mới; các vấn đề đang còn ý kiến khác nhau; bố cục, thứ tự sắp xếp, ngôn ngữ thể hiện...