Sáng ngày 23 tháng 5 năm 2014, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Cơ bản các ý kiến đều đồng tình với báo cáo của Chính phủ và cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp cùng với những khó khăn trong nước, song với sự điều hành quyết tâm của Chính phủ và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát thấp nhất trong 10 năm qua. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, niềm tin của người dân vào sự điều hành của Chính phủ được nâng lên. Trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2013, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP; tạo việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo); 2 chỉ tiêu không đạt (tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ giảm hộ nghèo). So với số đã báo cáo Quốc hội, có 9 chỉ tiêu đạt cao hơn và 2 chỉ tiêu thấp hơn.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng: Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình hình nợ đọng vẫn còn cao, việc chấp hành pháp luật trong việc thu, nộp và quản lý ngân sách có mặt hạn chế, ngân sách mất cân đối và là căn bệnh khó chữa của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, chi thường xuyên không giảm, việc sử dụng ngân sách còn kém hiệu quả, tình trạng tăng chi ở các cơ quan hành chính sự nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra, phân bổ ngân sách, vùng miền còn bất hợp lý. Về công khai minh bạch trong quản lý ngân sách đã được cải thiện nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn. Nhiều nội dung trong báo cáo thể hiện chưa rõ ràng, khó tiếp cận. Do đó, cần phân tích rõ để các vị đại biểu xem xét. Việc bố trí nguồn lực chưa đảm bảo cho nhiều chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội, nhiều chính sách đưa ra nhưng chưa thực hiện được. Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị Quốc hội cần sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật ngân sách và Luật phí và lệ phí, trên cơ sở đó sẽ thực hiện nguồn thu có hiệu quả.
Về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2014 đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng: Nền kinh tế trong nước có chiều hướng phát triển khá lớn, có được kết quả trên là nhờ sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, kết quả công tác xóa đói giảm nghèo năm 2013 thấp hơn so với 2 năm trước đó (năm 2012, năm 2011). Tuy nhiên, con số giảm nghèo cần phải được xem xét, rà soát lại. Theo số liệu báo cáo thì việc giảm nghèo ở mỗi nơi lại được thực hiện khác nhau. Thực tế công tác thực hiện giảm nghèo chậm, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Số hộ nghèo tập trung chủ yếu vào đối tượng là dân tộc thiểu số, ở vùng núi phía bắc. Hiện nay, còn có sự bất bình đẳng về cơ hội thoát nghèo ở những vùng này. Trước thực trạng đó đề nghị Chính phủ cần có biện pháp tổng thể để giảm nghèo bền vững; rà soát lại những chính sách không còn phù hợp để giảm nghèo; thay đổi cơ cấu phân bổ nguồn lực trong các lĩnh vực và tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao phát triển giáo dục và y tế, giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có điều kiện tiếp cận với sự phát triển.
Ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, tại buổi thảo luận: Đối với lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, hiện nay còn 72 nghìn cử nhân tốt nghiệp không có việc làm, gây lo lắng, hoang mang trong nhân dân, trong khi đó tỷ lệ lao động phổ thông chưa qua đào tạo lại cao, gây ra nghịch lý trong xã hội hiện nay. Có sự mất cân đối đó là đào tạo ra mà không được dùng trong khi những người không được đào tạo lại được sử dụng nhiều trong xã hội. Nguyên nhân của tình trạng trên chính là do việc phối hợp giữa đào tạo và việc làm còn bỏ ngỏ, chưa đồng bộ. Dự báo về thị trường lao động chưa rõ ràng, chưa tính toán được số lượng nhân lực xã hội cần để cân đối trong đào tạo. Định hướng của thị trường lao động đối với việc đào tạo là không có, vì vậy ta phải giải quyết nguyên nhân này. Việc quản lý nhà nước về công tác dạy nghề còn nhiều bất cập, hạn chế. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề đào tạo mà ít quan tâm đến vấn đề giáo dục, dạy làm người. Hiện tượng tham nhũng được quan tâm đấu tranh, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng tham nhũng vặt, liên quan đến những giao dịch nhỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Nó ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Công tác dự báo số liệu thống kê còn nhiều hạn chế, do đó khó xây dựng được kế hoạch, chiến lựợc lâu dài. Cần có biện pháp nâng chất lượng công tác dự báo trong thời gian tới để làm cơ sở cho các ngành tổ chức triển khai thực hiện./.