DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Quốc hội thảo luận tại tổ

27/05/2014 00:00
Sáng ngày 27 tháng 5 năm 2014, Quốc hội thảo luận tại tổ về 02 dự án Luật gồm: Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đối với dự án Luật nhà ở (sửa đổi), cơ bản các ý kiến nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Nhìn chung Dự án Luật đã tập trung giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và người dân về trách nhiệm tạo lập nhà ở, theo đó, việc tạo lập nhà ở trước hết là trách nhiệm của người dân, còn trách nhiệm của nhà nước là có chính sách phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, tạo điều kiện cho mọi người có nơi ở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở. Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy định về chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó cần quy định cụ thể trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng loạn thị trường, minh bạch hóa thị trường nhà ở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tạo lập nhà ở.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phát biểu tại Hội trường

 Phát biểu đóng góp vào dự án Luật đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị: Về chuyển quyền sở hữu nhà, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và đối chiếu với các luật khác như: Luật đất đai và luật dân sự để có quy định phù hợp. Tránh tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các Luật.

Đối với chính sách nhà ở, hiên nay đã có Nghị quyết quy định về vấn đề này, tuy nhiên tính khả thi không cao, việc giám sát thực hiện chưa rõ ràng, kinh phí còn hạn chế do đó, chất lượng và hiệu quả còn khiêm tốn. Hiện nay, các khu công nghiệp mọc lên nhiều với hàng nghìn lao động nhưng về điều kiện sống còn gặp rất nhiều khó khăn, gây ra sự bức xúc trong giới lao động. Trong dự án Luật trình Quốc hội, nội dung này chưa được thể hiện. Tôi đề nghị luật này ra đời phải khắc phục được tình trạng các khu nhà ở ổ chuột đối với đội ngũ công nhân lao động ngày càng gia tăng như hiện nay.

Quy định về quản lý và sử dụng nhà công vụ, hiện nay nhân dân đang rất quan tâm vấn đề này. Trên thực tế, hầu hết chỉ có quan chức mới được hưởng nhà công vụ, tập trung ở thành phố lớn. Một sự bất hợp lý, những trường hợp cán bộ đã về hưu, không còn sống ở đó nhưng con cháu họ vẫn ở, nhà nước vẫn phải trả tiền cho những đối tượng này, đang gây bất bình trong dư luận xã hội. Tôi đề nghị nên thu hẹp đối tượng và xác định rõ nhà công vụ là để phục vụ cho cán bộ đang thực hiện công vụ. Đề nghị nhà nước rà soát và siết chặt về nhà ở công vụ hiện nay.

 Chính sách nhà ở xã hội: Theo dự án Luật hiện nay, cơ quan soạn thảo đang biến nhà ở xã hội thành lĩnh vực kinh doanh thu lợi nhuận cao, không coi đây là chính sách xã hội. Thể hiện ở chỗ đối tượng được hưởng nhà ở xã hội quá rộng, không đúng đối tượng. Kể cả sinh viên, sỹ quan quân nhân…cán bộ công chức. Đề nghị rà soát lại các khoản quy định về đối tượng được hưởng mua nhà xã hội, trên cơ sở đó thu hẹp đối tượng được hưởng mua nhà xã hội.

Chính sách về quản lý nhà ở xã hội: Đề nghị rà soát về trình tự, thủ tục định giá về nhà ở xã hội. Giá nhà ở xã hội hiện nay phần lớn do chủ đầu tư đề xuất, gây bất lợi cho người mua nhà. Mục đích cuối cùng của nhà đầu tư là thu lợi nhuận, coi đây là lĩnh vực kinh doanh thu lợi nhuận béo bở. Do đó, nếu không quy định giá bán, giá thuê để người có đủ điều kiện tiếp cận được thì sẽ không đạt được mục tiêu đề ra.

Đối với dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) các ý kiến cho rằng, qua 7 năm thực hiện, Luật kinh doanh bất động sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập như: Thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, tình trạng đầu cơ, lũng loạn thị trường làm biến động giá tác động đến tính ổn định vĩ mô và nền kinh tế. Các quy định hiện hành còn bất cập, dẫn đến tính công khai, minh bạch trong giao dịch và việc bảo đảm quyền của các bên, nhất là bên mua, thuê còn nhiều hạn chế. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng: Về kinh doanh có điều kiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, giảm bớt những điều kiện không cần thiết quy định trong dự thảo Luật. Nếu không quy định rõ thì việc thực hiện trên thực tế sẽ gặp khó khăn. Đối với kinh doanh bất động sản xây nhà để bán cần phải cân nhắc kỹ, nên hạn chế tối đa đối với chủ đầu tư là cá nhân mà chỉ nên cho phép các chủ đầu tư là pháp nhân thực hiện các dự án, nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ tốt hơn đối với khách hàng mua nhà, thuê nhà./.