DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Quốc hội thảo luận tại tổ

22/05/2014 00:00
Chiều ngày 21/5, ngày họp thứ hai của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại tổ

 Tham gia thảo luận tại tổ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình gồm các Đoàn: Đà Nẵng, Hưng Yên và Cần Thơ. Đồng chí Bùi Văn Tỉnh Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình điều hành phiên thảo luận tổ.

Đối với Dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội cơ bản các ý kiến đều nhất trí với nội dung của tờ trình, các ý kiến cho rằng: Trong thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng Luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ trình các dự án Luật. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế, quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh cũng còn những hạn chế như: Một số dự án Luật trình không đúng tiến độ, số lượng các dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào chương trình vẫn còn nhiều, chất lượng một số dự án Luật vẫn hạn chế, còn tình trạng luật khung, luật ống, khi có hiệu lực phải chờ văn bản hướng dẫn thực hiện.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Bùi Văn Tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, số lượng các dự án Luật dự kiến sẽ thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, thứ 10, Quốc hội khóa XIII là quá lớn. Vì vậy, Quốc hội cần nghiên cứu và xem xét, đối với những dự án Luật chưa thật sự cần thiết, chưa chuẩn bị kỹ nên đưa ra khỏi chương trình hoặc chuyển vào khóa sau. Tránh tình trạng khi Luật ban hành nhưng chất lượng, hiệu quả thấp, luật khó đi vào cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình: Cho rằng, các cơ quan hữu quan cần quan tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém đối công tác xây dựng Luật, pháp lệnh hiện nay. Đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành với tư cách là cơ quan trình các dự án Luật, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật đủ mạnh để tham mưu, giúp xây dựng các dự thảo Luật đạt chất lượng và hiệu quả. Làm rõ trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra các dự án Luật. Các cơ quan của Quốc hội cần chủ động trong việc chuẩn bị các dự án Luật. Đối với các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trách nhiệm trong việc tham gia, đóng góp ý kiến vào các dự án Luật, địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội và quyền trình các dự án Luật. Đề nghị Quốc hội sớm ban hành các luật như: Luật ngân sách; Luật hoạt giám sát của Hội đồng nhân dân; Luật nghĩa vụ quân sự; Luật hội; Luật biểu tình. Luật dân tộc thiểu số. Hiện nay, các chế độ, chính sách cho dân tộc thiểu số đã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật, tuy nhiên vấn đề này chưa được quy định thành Luật do đó việc tổ chức triển khai, thực hiện chính sách còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị bổ sung thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội về tình hình kinh phí thực hiện các dự án Luật. Nếu dừng hay tiếp tục thực hiện dự án Luật thì kinh phí liên quan cho việc thực hiện đó như thế nào? Đại biểu cũng rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh về việc yêu cầu sớm ban hành Luật ngân sách (sửa đổi), đây là dự án Luật quan trọng đề nghị Quốc hội xem xét, nếu Luật này lùi lại 1 kỳ họp sẽ ảnh hưởng nhiều đến các dự thảo luật khác. Đề nghị phân tích rõ nguyên nhân của việc lùi dự án Luật ngân sách.

Phát biểu góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam, các đại biểu cho rằng, hiện nay giá của ngành hàng không Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời sẽ khó có thể cạnh tranh với các hãng hàng không trên thế giới. Đề nghị xem xét thực hiện nội dung xã hội hóa ngành hàng không, để tăng tính cạnh tranh. Nhà nước tạo điều kiện cho các hãng hàng không phát triển, cạnh tranh lành mạnh, nhằm giảm giá thành trong ngành hàng không.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, Dự thảo Luật quy định về phí, lệ phí và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, nếu giao cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện thì sẽ không khách quan, nhiều loại giá sẽ bị đẩy cao lên. Do đó, đề nghị việc định giá phải giao cho Bộ Tài chính phối hợp Bộ Giao thông vận tải thực hiện./.