Một là, về quy hoạch xây dựng quy định tại Chương II, đề nghị không nên đưa quy định nội dung về quy hoạch xây dựng trong Luật xây dựng, sau đây tôi xin phân tích và làm rõ thêm một số điều như sau: Theo báo cáo giải trình tiếp thu hiện nay tồn tại hai luồng ý kiến là quy định hoặc không quy định nội dung về quy hoạch xây dựng trong Luật xây dựng. Báo cáo giải trình tiếp thu cũng đã phân tích và đề nghị Quốc hội cho phép giữ quy định về nội dung quy hoạch xây dựng trong luật. Để bảo vệ quan điểm cần phải giữ nội dung về quy hoạch xây dựng trong Luật xây dựng một cách thuyết phục hơn nữa. Tôi mong muốn Ban soạn thảo cần phải quan tâm giải thích và lý giải thêm một số vấn đề cụ thể như sau.
Thứ nhất, Luật xây dựng hiện hành được Quốc hội ban hành năm 2003, trong đó đã có nội dung về quy hoạch đô thị nhưng đến năm 2009 với những lập luận đầy thuyết phục, Bộ Xây dựng đã tách riêng nội dung về quy hoạch đô thị để xây dựng thành Luật quy hoạch đô thị riêng trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XIII. Như vậy, Luật xây dựng hiện hành không còn điều chỉnh được những nội dung về quy hoạch đô thị. Trong dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) lần này xác định đối tượng quy hoạch xây dựng gồm 4 đối tượng, cụ thể là: Quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng đặc thù, quy hoạch nông thôn. Trong đó riêng nội dung về quy hoạch đô thị được điều chỉnh bằng Luật quy hoạch đô thị. Vậy một câu hỏi đặt ra với tôi đó là sau khi ban hành Luật xây dựng (sửa đổi) lần này liệu có còn những yêu cầu tách nội dung quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch vùng thành những luật riêng với những lập luận đầy thuyết phục như khi tách nội dung quy hoạch đô thị để xây dựng Luật quy hoạch đô thị tại Quốc hội Khóa XII như trước đây. Liệu có phải tiến hành xây dựng các Luật quy hoạch nông thôn, Luật quy hoạch khu chức năng đặc thù, Luật quy hoạch vùng hay không? Nếu như vậy thì nội dung về quy hoạch xây dựng trong luật có nhất thiết phải đưa vào Luật xây dựng (sửa đổi) lần này khi mà Luật quy hoạch đang được soạn thảo và Luật quy hoạch đô thị có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, hiện nay cũng đã được gần 4 năm có thể xem xét sửa đổi, bổ sung thêm các nội dung về quy hoạch nông thôn và quy hoạch vùng. Nêu ý kiến này tôi muốn Ban soạn thảo xem xét lại một lần nữa về mặt lý luận thì phạm vi điều chỉnh của Luật xây dựng có nên bao gồm cả vấn đề quy hoạch xây dựng hay không? Qua trao đổi với một số chuyên gia cho thấy việc đưa quy hoạch xây dựng vào Luật xây dựng là chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, theo dự thảo luật thì nội dung về quy hoạch xây dựng gồm 4 đối tượng đó là: Quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch nông thôn. Việc giới hạn chỉ một số đối tượng quy hoạch như vậy là do Bộ Xây dựng đang chỉ thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch của bốn đối tượng nêu trên. Vậy câu hỏi lại tiếp tục đặt ra với tôi, đó là còn có rất nhiều các đối tượng cần quy hoạch khác của các bộ, các ngành, chức năng khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng, vì sao không được đưa vào trong nội dung quy hoạch xây dựng của Luật xây dựng (sửa đổi) lần này. Chỉ có rất ít đối tượng quy hoạch được liệt kê tại Điều 24 trong phần quy hoạch khu chức năng đặc thù còn phần lớn không được đề cập đến, chẳng hạn về lĩnh vực nông nghiệp còn có quy hoạch thủy lợi, quy hoạch đê sông và phòng lũ, quy hoạch đê biển, phòng chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng, quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản, cảng cá, quy hoạch các vùng sản xuất muối. Về giao thông còn có quy hoạch đường bộ, quy hoạch đường sắt, quy hoạch đường thủy nội địa, về công nghiệp còn có các quy hoạch phát triển các công trình năng lượng, thủy điện, nhiệt điện, điện gió v.v... Quy hoạch các công trình công nghiệp khác. Như vậy nếu theo dự thảo luật thì tất cả các đối tượng nêu trên sẽ nằm ngoài điều chỉnh của Luật xây dựng thì sẽ nằm trong điều chỉnh của luật nào?
Thứ ba, tại Mục 5, Chương II của dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) về thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng. Theo đó chỉ có Bộ Xây dựng và cơ quan quản lý xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện được giao nhiệm vụ này. Điều này chỉ có thể đúng khi chỉ có 4 đối tượng đã nêu trong dự thảo nằm trong diện điều chỉnh của quy hoạch xây dựng còn nếu đối tượng là những quy hoạch khác thuộc các bộ khác như tôi đã nêu ở trên thì điều này sẽ không còn đúng. Do vậy nếu Ban soạn thảo vẫn giữ nguyên nội dung về quy hoạch xây dựng trong luật thì cần phải nghiên cứu bổ sung vai trò của các bộ chức năng trong công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng với các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, tôi quan tâm là vấn đề về vật liệu xây dựng và quản lý vật liệu xây dựng. Thống nhất với ý kiến của đại biểu Trần Minh Diệu tỉnh Quảng Bình về tầm quan trọng của vật liệu xây dựng trong hoạt động xây dựng và đầu tư xây dựng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu dành 1 chương quy định về vật liệu xây dựng để làm rõ hơn vấn đề này, tôi xin phép được phân tích một số điểm như sau: Khi nghiên cứu báo cáo giải trình tiếp thu của dự án luật tôi đã rất phấn khởi vì thấy ý kiến đóng góp của mình về vật liệu xây dựng tại kỳ họp trước đã được Ban soạn thảo quan tâm, tiếp thu cụ thể. Tại Mục 7 của bản giải trình nêu rõ "tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung về quản lý vật liệu xây dựng trong các quy định cụ thể về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại các Điều 4, 11, 80 v.v...". Tuy nhiên, khi đi sâu nghiên cứu cụ thể các nội dung về vật liệu xây dựng mà Ban soạn thảo bổ sung tại các khoản trong các điều trên tôi hết sức băn khoăn vì các nội dung này được bổ sung rất ít, chung chung và không rõ ràng, hoàn toàn không tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của vật liệu xây dựng trong hoạt động xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng như đã được phân tích trong báo cáo giải trình tiếp thu. Theo tôi chắc chắn những quy định này sẽ không tạo ra một thay đổi đột phá gì trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường vật liệu xây dựng cũng như quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng. /.