Thứ nhất, về nguyên nhân doanh nghiệp không đăng ký lại và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Có thể nói rằng thực trạng tồn tại 2.916/6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây tôi xin gọi tắt là doanh nghiệp) chiếm 48,86% tổng số doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại, gây nên rất nhiều hệ lụy kèm theo như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ là điều không ai mong muốn và chắc chắn không ai muốn hiện tượng này sẽ lặp lại. Vì vậy, việc tìm ra đúng nguyên nhân của hiện tượng này để khắc phục, theo tôi hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ phần nêu các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên chỉ có nêu ba nguyên nhân và được trình bày ở trang số 2 và trang số 3 của tờ trình và được trình bày một cách hết sức chung chung không rõ ràng, chẳng biết lỗi chính tại đâu, tại cơ quan nào, tại cơ chế nào. Chẳng hạn như trong tờ trình nêu nguyên nhân do doanh nghiệp không lường trước được hoặc do doanh nghiệp không đạt được sự nhất trí giữa các bên liên quan, hay việc không đăng ký lại đều là quyền của doanh nghiệp nên các cơ quan quản lý ở địa phương khó nắm được thông tin để tuyên truyền, hướng dẫn. Đặc biệt ở tờ trình không đề cập gì tới việc liệu có nguyên nhân nào, xuất phát từ phía các cơ quan quản lý nhà nước hay không và trách nhiệm của các cơ quan này đến đâu. Như vậy là việc để tồn đọng 2.916 doanh nghiệp chưa làm thủ tục đăng ký khiến Quốc hội lại phải lần thứ 2 sửa luật cho phù hợp với thực tiễn này, nếu thông qua tờ trình của Chính phủ thì khó nhận biết nguyên nhân chính là tại đâu. Chẳng biết là do ý thức chấp hành luật của doanh nghiệp này chưa cao, hay do các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, hay là do chính Quốc hội đã thông qua một dự án luật chưa có sự phù hợp tốt với thực tế. Câu hỏi này tôi mong muốn cần phải được làm rõ trong Tờ trình của Chính phủ thì tôi mới thực sự yên tâm thông qua luật này vì tin rằng hiện tượng này sẽ không lặp lại.
Thứ hai, theo tôi nội dung của Tờ trình của Chính phủ mới chỉ giới hạn ở việc phân tích những mặt tích cực, nếu Điều 170 của luật được sửa đổi và thông qua mà không hề nhắc tới những khó khăn hay những tác động không mong muốn có thể xảy ra khi luật được thông qua. Chẳng hạn như việc sửa đổi luật có khả năng sẽ ảnh hưởng tới tính tôn nghiêm của pháp luật hay không. Tôi mong muốn nội dung của tờ trình cần phân tích, giải trình các vấn đề, đặc biệt là các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau ở nhiều góc độ, các khía cạnh và hết sức tránh việc chỉ nêu những mặt thuận lợi để thuyết phục các đại biểu Quốc hội thông qua. Vẫn biết là ngoài Tờ trình của Chính phủ còn có báo cáo thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội, nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn là những phân tích đầy đủ từ cơ quan chuyên môn mà như Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu trong phiên thảo luận sáng nay gọi là trách nhiệm của chủ thể trình luật. Căn cứ vào đó đại biểu Quốc hội mới có thể xem xét và quyết định. Nếu chỉ có các thông tin thuận lợi như vậy cung cấp cho đại biểu để thuyết phục Quốc hội thông qua luật nhưng áp dụng vào thực tế mới thấy khó, không phù hợp thì lúc này lỗi sẽ thuộc về ai?. Phải chăng thuộc về Quốc hội đã xem xét, thông qua một luật chưa thực sự phù hợp với thực tế trên căn cứ một tờ trình không đẩy đủ của chủ thể trình luật.
Thứ ba, về đối tượng điều chỉnh, có thể nói đây là một dự án luật hết sức đặc biệt vì chỉ có duy nhất một điều trong luật được sửa đổi và kể từ khi luật ra đời năm 2005. Đây là lần thứ 2 sửa đổi và chỉ duy nhất cho Điều 170 này, lần thứ nhất sửa đổi vào năm 2009 chỉ sửa riêng Điều 170. Vì vậy theo tôi, tờ trình Chính phủ cần phải làm rõ tại sao chỉ duy nhất điều này cần chỉnh sửa và tần suất sửa đổi lại cao so với các điều khác trong luật như vậy. Vì tôi không tìm thấy trong hồ sơ dự án luật trình Quốc hội báo cáo tổng kết về việc thi hành luật, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án luật, nên tôi rất băn khoăn và cơ quan trình luật cần khẳng định chắc chắn rằng hiện tại không còn bất kỳ một vấn đề gì khác cũng cấp bách và cần sửa ngay giống như Điều 170 này. Các vấn đề khác liên quan đến doanh nghiệp đều sẽ có thể chờ để giải quyết trong khuôn khổ của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội vào năm 2014 mà sẽ không gây ảnh hưởng gì nhiều đến các hoạt động của nền kinh tế nói chung. Vì ta cũng phải đề phòng rằng tới kỳ họp thứ 6 lại xuất hiện một điều nào đó cần sửa ngay, vì không thể chờ đợi đến năm 2014. Tóm lại là tôi đề nghị cơ quan trình luật phải rà soát thật kỹ vì việc sửa đổi, bổ sung chỉ một điều dù theo quy trình rút gọn một kỳ họp cũng phải thực hiện các bước trong một quy trình, thông thường chúng ta cùng xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều.
Thứ tư, về hồ sơ của dự án luật trình Quốc hội, căn cứ theo Điều 42 của luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án luật để thẩm tra, hồ sơ phải gồm có 5 loại tài liệu bắt buộc. Tuy nhiên, theo Điều 55 của luật này, việc quy định hồ sơ dự án luật trình Quốc hội chỉ cần gồm 2 tài liệu bắt buộc, đó là báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và dự thảo đã được chỉnh lý. Với thực tế như trên đây là dự án luật trình Quốc hội theo quy trình rút gọn và đặc biệt còn có một đôi điều băn khoăn như tôi trình bày ở trên./.