DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật xây dựng (sửa đổi)

26/11/2013 00:00
Sáng ngày 25/ 11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật và thảo luận về Dự án Luật xây dựng (sửa đổi).
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Hội trường

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, tôi nhất trí với nội dung trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật xây dựng (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, đặc biệt tôi đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường và đã có dự kiến báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật cũng như đã xây dựng một số các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật kèm theo gửi tới các đại biểu Quốc hội từ rất sớm.

Tuy nhiên, đây là dự án trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu nên tôi xin phép đóng góp một số ý kiến mang tính chất quan điểm chung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phạm vi và đối tượng áp dụng của luật được quy định tại Điều1 và Điều 2 trong dự thảo hiện nay chỉ đề cập tới quy định về hoạt động đầu tư xây dựng quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân chỉ trong hoạt động đầu tư xây dựng, vậy câu hỏi đặt ra là hoạt động xây dựng thì sẽ do luật nào điều chỉnh? nếu không phải là do Luật xây dựng điều chỉnh. Vì rõ ràng ta thấy khái niệm về hoạt động đầu tư xây dựng không thể bao chùm cả khái niệm hoạt động xây dựng vì nó chỉ là hoạt động bỏ vốn vào các công trình hay tổ hợp công trình xây dựng, đồng thời với hoạt động quản lý nguồn vốn đó. Còn hoạt động xây dựng là các hoạt động như khảo sát thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát quản lý việc xây dựng, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng và bảo hành bảo trì công trình sau xây dựng. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt là các hoạt động xây dựng này đều đã được trình bày tại các chương II, IV, V và VI của dự thảo luật, tuy chưa được nêu trong phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng của luật, do vậy để đảm bảo tính khoa học chặt chẽ và đầy đủ tôi kiến nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc và sửa đổi, bổ sung thêm cụm từ "hoạt động xây dựng" vào Điều 1 và Điều 2 của dự thảo luật cụ thể như sau.

Điều 1 sửa lại là "luật này quy định về hoạt động xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng và hoạt động đầu tư xây dựng" và bổ sung tương tự như với Điều 2 của dự thảo luật. Do vậy, phần giải thích từ ngữ cần bổ sung thêm hoạt động xây dựng là gì và dự án xây dựng là gì.

Thứ hai, về các quy định đối với dự án đầu tư xây dựng được quy định tại Chương III. Thực tế cho thấy hiện nay công tác quản lý nhà nước về xây dựng chưa được hiệu quả, còn chồng chéo và bất cập do chưa tách bạch rõ ràng nội dung quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng.

Về đầu tư và quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, để công tác quản lý nhà nước về xây dựng ngày càng được hiệu quả, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tôi cũng nhất trí quan điểm như đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường cho rằng đầu tư là giai đoạn không thể tách rời trong các dự án xây dựng công trình. Do đó, Luật xây dựng (sửa đổi) cần điều chỉnh xuyên suốt toàn bộ quá trình bỏ vốn và tiến hành các hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, vẫn cần tách bạch đầu tư và quản lý nhà nước về xây dựng trong các Điều thuộc Chương III của Luật xây dựng một cách rõ ràng và cụ thể hơn để hạn chế đến mức tối đa những bất cập như trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các nội dung trong luật nên xác định rõ cụ thể những nội dung nào nhà nước sẽ quản lý nói chung đối với tất cả các dự án đầu tư xây dựng mà không nên phân biệt dư án của chủ đầu tư là cơ quan nhà nước hay không phải là nhà nước. Khi đó quyền và nghĩa vụ của tất cả các chủ đầu tư đều như nhau và việc quản lý cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và đầu tư xây dựng theo tôi sẽ hiệu quả, rõ ràng và không chồng chéo bất cập như luật hiện hành.

Tại Chương III, Điều 52 về phân loại các dự án đầu tư xây dựng theo tôi ngoài ba trường hợp đã quy định như trong dự thảo nên bổ sung thêm trường hợp d là dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗn hợp. Trong nguồn vốn hỗn hợp tức là trong dự án có 2 kiểu dự án một loại sử dụng nguồn vốn nhà nước, một loại sử dụng nguồn vốn khác. Kiến nghị Ban soạn thảo xem xét quy định loại kiểu dự án sử dụng nguồn vốn loại gì thì sẽ chịu sự quản lý đối với dự án sử dụng nguồn vốn loại đó.

Thứ ba, về vật liệu xây dựng và quản lý vật liệu xây dựng, trong dự thảo Luật xây dựng (sửa đổi) trình Quốc hội lần này tôi chưa thấy có các quy định về vật liệu xây dựng. Theo tôi công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng là hết sức quan trọng bởi vật liệu xây dựng là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản góp phần quyết định đến chất lượng của công trình xây dựng cũng như giá thành xây dựng. Ngoài ra, công tác xây dựng và quản lý quy hoạch chung trong phát triển vật liệu xây dựng và thị trường vật liệu xây dựng cũng cần được đề cập tới trong luật với mục đích tạo ra một nguồn cung cấp vật liệu ổn định, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý cho các công trình xây dựng. Hiện nay, việc quản lý vật liệu xây dựng mới chỉ được quy định bởi Nghị định 124/2007/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ và tính đến nay đã được 6 năm. Theo tôi tìm hiểu thì thấy đã đầy đủ cơ sở thực tiễn và đã được kiểm chứng trong thực tế thì nên quy định chi tiết trong luật để áp dụng thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nên bổ sung thêm một số điều quy định về quản lý vật liệu xây dựng để tạo nên một hành lang pháp lý cho công tác quản lý xây dựng, quản lý chất lượng và quản lý công nghiệp sản xuất cũng như việc kinh doanh lưu thông và sử dụng vật liệu xây dựng trong các công trình xây dựng.

Cuối cùng, về đánh giá tác động của Luật xây dựng (sửa đổi) thì trong Báo cáo đánh giá tác động của Luật xây dựng (sửa đổi) nếu được ban hành tại phần Kết luận trang 27 thì Ban soạn thảo đánh giá như sau: Luật này được ban hành sẽ khắc phục được phần lớn những bất cập trong công tác quản lý đầu tư xây dựng như hiện nay, cá nhân tôi rất băn khoăn về đánh giá này, có thể nói hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng trong thời gian qua còn nhiều bất cập, yếu kém và là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp và việc sửa đổi luật để đổi mới phương thức quản lý dự án đầu tư khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vấn đề bức xúc khác như yếu kém trong công tác quy hoạch, hiện tượng quy hoạch chồng chéo, vấn đề cấp phép xây dựng tràn lan, vấn đề quản lý rác thải xây dựng, vấn đề an toàn của các công trình xây dựng trong lĩnh vực giao thông, thủy điện v.v... mà Ban soạn thảo cần tiến hành rà soát, khảo sát thêm để đưa vào phần báo cáo đánh giá tác động của luật cho đầy đủ, tránh như tình trạng hiện nay trong Báo cáo đánh giá tác động trình bày quá thiên về lĩnh vực đầu tư và quản lý đầu tư trong xây dựng.

Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tiếp công dân và thảo luận về Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)./.