Chiều ngày 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình có ý kiến như sau:
Trước hết về chỉ định thầu, các trường hợp chỉ định thầu và hạn mức chỉ định thầu. Qua nghiên cứu tại Điều 23, tôi đề nghị các trường hợp chỉ định thầu, tôi đề nghị bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với dự án đầu tư vào vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và vùng cần bảo vệ nghiêm ngặt, bí mật nhà nước. Vì thực tế các dự án triển khai tại khu vực này điều kiện thi công khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, rủi ro cao, lợi nhuận không hấp dẫn và ít nhà đầu tư tham gia. Cho nên việc chúng ta áp dụng trình tự thủ tục trong việc đấu thầu sẽ kéo dài thời gian và chi phí đấu thầu làm tăng tổng mức đầu tư của dự án và thực sự không có hiệu quả, chúng tôi có đề nghị và đương nhiên về việc chỉ định thầu này chỉ cần áp dụng đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục chặt chẽ như tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 22 là phù hợp.
Thứ hai, đề nghị không quy định mức chỉ định thầu tại Điểm c, Khoản 1 điều này mà tôi đề nghị giao cho Chính phủ để quy định cụ thể. Như vậy, vừa đảm bảo tính phù hợp với thực tế, tính linh hoạt trong điều hành và nâng cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc phòng chống và hạn chế lạm dụng việc chỉ định thầu.
Về quy định cụ thể số tiền 200 triệu, 500 triệu hay 1 tỷ đồng vào luật sẽ làm cho luật sớm lạc hậu, khó khăn trong việc áp dụng thực tế và không đảm bảo chắc chắn sẽ khắc phục được những tiêu cực trong chỉ định thầu.
Thực tế thời gian vừa qua Chính phủ quy định và quản lý hoạt động chỉ định thầu khá hiệu quả và không có vướng mắc lớn, chúng tôi đề nghị Quốc hội quan tâm quy định này và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát để việc thực hiện của Chính phủ chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn là chúng ta quy định một mức tiền nhất định nhưng không có tính thuyết phục là nó sẽ khắc phục được tình trạng lạm dụng trong việc chỉ định thầu.
Thứ ba, về loại hợp đồng quy định tại Điều 60, trong dự thảo quy định loại hợp đồng bao gồm các hợp đồng trọn gói và hợp đồng có điều chỉnh, tôi cho là quy định như vậy khá phù hợp. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian giám sát và qua ý kiến của cử tri cho thấy thời gian vừa qua tình trạng lợi dụng các hình thức hợp đồng đã làm phát sinh nhiều tiêu cực tham nhũng, lãng phí, gây thất thoát và thiệt hại lớn cho các dự án từ ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Dự thảo luật hiện hành quy định loại hợp đồng này như phạm vi, điều kiện hạn chế loại hợp đồng có điều chỉnh có điều chỉnh giá lại chưa chặt chẽ và còn nhiều điểm chưa phù hợp. Dự thảo luật có quy định khi quyết định áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh người có thẩm quyền phải đảm bảo việc áp dụng loại hợp đồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với áp dụng loại hợp đồng chọn gói. Hiệu quả kinh tế cao hơn ở đây theo tôi là rất khó xác định hiệu quả trước mắt hay lâu dài, hiệu quả địa bàn hay khu vực đối tượng được hưởng lợi hiệu quả đó như thế nào. Cho nên, chúng tôi đề nghị chỗ này ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định chặt chẽ hơn, khắc phục việc lạm dụng khi thực hiện luật trong việc áp dụng các loại hình hợp đồng có điều chỉnh giá.
Thứ tư, về trách nhiệm của người có thẩm quyền tại Điều 71 của chủ đầu tư tại điều 72 tôi đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền, quy định tại Khoản 10 không chỉ có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan cấp trên, của các cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền mà tôi đề nghị bổ sung trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có lỗi của mình gây ra.
Tại Khoản 9, Điều 72 quy định chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan nếu thiệt hại đó do lỗi của mình gây ra theo quy định của pháp luật, ở quy định này tôi đề nghị luật cần làm rõ hơn trách nhiệm của cá nhân chủ đầu tư, dự án là cơ quan nhà nước hoặc vồn đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Tách trách nhiệm với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, với vai trò là chủ đầu tư làm rõ hơn kinh phí để bồi thường thiệt hại do lỗi của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư, người có thẩm quyền là tài sản thu nhập của cá nhân người vi phạm đó chứ không phải sử dụng ngân sách nhà nước, thuế của nhân dân để bồi thường cho việc sai phạm của cá nhân với tư cách là người quản lý và chủ đầu tư. Quy định như vậy sẽ gắn và nâng cao được trách nhiệm của người có trách nhiệm và chủ đầu tư khi quản lý và thực hiện các dự án./.