DetailController

Đoàn đại biểu quốc hội

Quốc hội thảo luận tại hội trường

03/06/2014 00:00
Sáng nay, ngày 02 tháng 6 năm 2014, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014. Phiên thảo luận đã được phát thanh và truyền hình trực tiếp
ĐB Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại Hội trường

. Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cơ bản nhất trí với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, có thể thấy rằng năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 mặc dù kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế trên vùng biển nước ta, song với sự quyết tâm điều hành của Chính phủ, sự đồng thuận của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân nền kinh tế nước ta phát triển tương đối ổn định, có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; Hầu hết các thị trường hoạt động khá ổn định, lãi suất huy động và cho vay giảm đáng kể. Ngành giao thông vận tải đã thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải, có những biện pháp quyết liệt trong việc lập lại kỷ cương trật tự an toàn giao thông. Các Dự án trọng điểm đều được đẩy nhanh tiến độ, tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Có thể nói cho đến thời điểm này, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu hồi phục và phát triển, thị trường bất động sản đã có nhiều khởi sắc.

 

Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri nhiều ý kiến cho rằng:

 

- Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, vững chắc, điều này thể hiện ở tổng cầu nội địa còn yếu, tăng trưởng thị trường hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thấp chỉ đạt 12,6%. Hoạt động doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Riêng đối với tỉnh Hòa Bình từ đầu năm 2014 đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 4 -5%, số doanh nghiệp giải thể tăng 3-4% so với cùng kỳ. Mặc dù Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như việc giãn, hoãn, khoanh nợ thuế và giảm lãi suất vay nhưng vẫn còn hạn chế. Đối với những doanh nghiệp sản xuất đang gặp khó khăn vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay. Việc nợ đọng vốn xây dựng cơ bản kéo dài cũng gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

- Đời sống của một bộ phận lao động, hộ nghèo, gia đình chính sách còn  khó khăn, có sự chênh lệch lớn về mức sống và an sinh giữa các vùng, miền; Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, khó lường; Lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn vẫn phát sinh những dấu hiệu đáng lo ngại; Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có những vùng chuyên canh như: Cam Cao Phong, dưa hấu, mía tím, quy hoạch vùng trồng rau sạch ... tuy nhiên thị trường đầu ra thiếu tính ổn định, bấp bênh. Do việc tiếp thị quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được đầu hỗ trợ đúng mức.

- Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, nhiều doanh nghiệp muốn thoái vốn nhanh nhưng vướng thủ tục pháp lý và hành chính. Theo số liệu mới nhất, tính hết năm 2013 mới có 4.164 tỷ đồng/21.800 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành được thoái vốn. Hết quý I, cả nước mới có 16 doanh nghiệp hoàn thành qui trình cổ phần hóa trong đó Bộ Giao thông vận tải tiên phong là 10 doanh nghiệp được cổ phần hóa.

- Trước những diễn biến phức tạp, căng thẳng, khôn lường về tình hình Biển Đông, kinh tế nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là các hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp đang chờ đợi những đổi mới của Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương cũng như địa phương trong việc chủ động ứng phó với vấn đề này.

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu trong những tháng cuối năm 2014, tôi xin kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một số nội dung sau:

Thứ nhất: Trước tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, khó lường tôi đồng tình với Chính phủ tập trung phân bổ nguồn lực quốc gia, 16 nghìn tỷ “thắt lưng buộc bụng”. Đặt nền kinh tế vào trạng thái động, vừa ổn định vĩ mô vừa gắn kinh tế với quốc phòng; ưu tiên sắp xếp lại đầu tư dành ngân sách hỗ trợ cho cảnh sát biển, ngư dân để họ yên tâm “vươn khơi bám biển”.

Thứ hai: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn, khủng hoảng nhất là Doanh nghiệp Nhỏ và vừa như: Giảm giá  thuê đất hàng năm, Nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thuê đất trong các khu công nghiệp, nhanh chóng cập nhật và ban hành khung giá đất tối thiểu theo sát giá thị trường nhằm tạo sự công bằng trong định giá cho thuế sử dụng đất hàng năm, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp; Tăng tổng cầu của nền kinh tế, giải phóng hàng tồn kho, khơi thông thị trường bất động sản để thúc đẩy sản xuất phát triển. Khuyến khích các Ngân hàng thương mại áp dụng các hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cường khả năng cho vay tín chấp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ODA nếu đủ điều kiện; Nâng cao nguồn năng lực tài chính cho Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thành lập ở các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính một cách đồng bộ và hoàn thiện hơn nữa, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong nhiều lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ ba:. Đề nghị Chính phủ có những giải pháp ưu tiên đầu tư cụ thể hơn để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới,những chính sách hấp dẫn khuyến khích người nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng. Tập trung vào các chế chính sách tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất, bảo hộ đầu ra cho sản phẩm, tránh bị ép giá, đặc biệt là tập trung xuất khẩu 6 sản phẩm quan trọng: lúa gạo, cà phê, cao su, tôm, cá và trái cây; có chính sách quản lý giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Thứ tư: Hiện nay, một số dự án đầu tư công từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ ở các địa phương, do thiếu vốn cần đẩy nhanh tiến độ nhân dân đã ứng trước mặt bằng thi công, công trình đã hoàn thành song đến nay vẫn chưa được bố trí nguồn để thanh toán, các dự án đều bị vượt tổng mức đầu tư do phải điều chỉnh đơn giá. Đề nghị Chính phủ sớm quan tâm có cơ chế bổ sung nguồn vốn cho các dự án trên tạo niềm tin cho nhân dân.

 

Thứ năm:  Để nền kinh tế nước ta hồi phục và phát triển bền vững, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống buôn lậu, một mặt cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn tẩy chay, tẩy chay hàng hóa chất lượng thấp, giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam. Nhà nước đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hàng tiêu dùng được sản xuất trong nước, đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khuyến khích các trung tâm bán lẻ và siêu thị áp dụng tỷ trọng cao các mặt hàng được sản xuất trong nước.