Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 37 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, Chính phủ và các cơ quan khối tư pháp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều biện pháp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử thi hành án về cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt trong thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã thành lập lực lượng 141 thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bên cạnh đó cơ quan báo chí cũng là một trong những đơn vị đã góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi như tội tuyên truyền chống phá nhà nước, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, đặc biệt tội phạm ma túy ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, số vụ án phạm tội trong thiếu niên ngày càng gia tăng, tình trạng giết người thân trong gia đình như con giết bố, chồng giết vợ dã man, nhiều vụ việc đã gây chấn động dư luận xã hội.
Năm 2013, các cơ quan chức năng đã nỗ lực phát hiện nhiều vụ vi phạm pháp luật và tội phạm. Số vụ việc phát hiện tăng so với cùng kỳ theo số liệu báo cáo của Chính phủ cho thấy số vụ khởi tố mới là 76.388 vụ, 123.746 bị can. Tăng 1,23% về số vụ, tăng 1,2% số bị can so với năm 2012.
Tôi cơ bản đồng tình báo cáo về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ và các cơ quan khối tư pháp đã trình trước Quốc hội. Tôi cho rằng nguyên nhân của tình hình tội phạm gia tăng là do kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng người thất nghiệp tăng làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tác động tiêu cực từ văn hóa phẩm độc hại, trò chơi bạo lực, công tác quản lý mạng Internet chưa chặt chẽ, thiếu sự phối hợp trong công tác giáo dục giữa gia đình và nhà trường.
Đặc biệt tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong xã hội đang là vấn đề đáng báo động. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn nhiều sơ hở, thiếu sót, làm phát sinh tội phạm. Trình độ năng lực và điều kiện phương tiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của các lực lượng chức năng còn hạn chế. Có lúc, có nơi chưa chủ động nắm chắc tình hình, chưa kịp thời triển khai các biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ công chức suy thoái về phẩm chất, đạo đức công vụ gây bất bình trong nhân dân. Từ những vấn đề nêu trên, tôi xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau.
Thứ nhất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, khắc phục những bất cập và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước.
Thứ hai, đối với công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất và các điều kiện thi hành án chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng án tử hình còn tồn cao, điều này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý giam giữ gây ảnh hưởng đến tâm lý của tử tù và gia đình của họ. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho khôi phục biện pháp thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn như trước đây.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục đầu tư trang thiết bị làm việc và cơ sở vật chất cho các ngành công an, tòa án, kiểm sát và thi hành án để đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, hiện nay công tác tổ chức cán bộ trong các cơ quan tư pháp còn nhiều bất cập, việc bố trí, sắp xếp và phân bổ chỉ tiêu ở các vùng chưa hợp lý, có nơi thừa cán bộ, còn những nơi vùng sâu, vùng xa, công tác tuyển dụng cán bộ gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ quy định chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ khối tư pháp nhằm thu hút những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác tại những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ năm, đề nghị Quốc hội nghiên cứu sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong tình hình mới./