Đi vào nội dung của Dự án Luật đại biểu đã đóng góp ý kiến tập trung vào các nội dung đó là:
1. Về đổi mới mô hình VKSND cấp huyện tại (khoản 4, Điều 41) của dự thảo Luật: Tôi đồng tình với phương án 2 dự thảo Luật đó là: “Các VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (gọi là VKSND cấp huyện)” bởi lẽ, phương án này đã đáp ứng yêu cầu về đổi mới hoạt động tố tụng của VKSND, đó là tăng cường hoạt động công tố trong công tác điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra, bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, nhà nước và xã hội.
Khác với hoạt động của TAND là luôn ở trạng thái tĩnh, thì hoạt động của VKS luôn ở trạng thái động. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, VKS phải tham gia hầu hết các giai đoạn tố tụng. Trong tố tụng hình sự, yêu cầu đặt ra là VKS phải tiến hành kiểm sát hoạt động, kiểm sát ngay từ đầu, ngay từ khi có sự tiếp nhận thông tin về tin báo tố giác tội phạm, trong suốt giai đoạn điều tra vụ án hình sự, VKS phải thực hiện tốt yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, VKS phải thực hiện thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng như: Phê chuẩn việc tạm giữ, khởi tố bị can, gia hạn tạm giữ, tạm giam. Bên cạnh đó, yêu cầu đối với KSV phải bám sát và nắm chắc tiến độ, kết quả hoạt động điều tra; VKS còn phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát các hoạt động giam giữ cải tạo, thi hành án, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Vậy thì trong điều kiện tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án vẫn giữ nguyên như hiện nay, thì việc thành lập VKS khu vực chắc chắn sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND.
Thực hiện mục tiêu cải cách Tư pháp là cần thiết, nhưng theo tôi đó phải là xây dựng một nền tư pháp gần dân, thuận lợi cho nhân dân. Với đề án tổ chức Tòa án và VKS khu vực theo địa hạt tư pháp, một điều nhận thấy trực diện là kéo theo giới hạn địa lý sẽ mở rộng, như vậy quãng đường để người dân đi đến công đường sẽ xa hơn, đi lại vất vả, chi phí tốn kém nhất là trong điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, gây ra nhiều bất cập cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới hải đảo. Hơn nữa trên thực tế hoạt động của VKS nhân dân cấp huyện hiện nay không có gì khó khăn, vướng mắc, do đó nếu thành lập VKS khu vực cho phù hợp với mô hình Tòa án sơ thẩm khu vực như trong dự thảo Luật VKSND (sửa đổi) là chưa phù hợp.
2. Về hội đồng tuyển chọn KSV VKSNDTC và Hội đồng xét tuyển, thi tuyển các ngạch KSV khác (được quy định tại các Điều 75, 76,77 trong dự thảo Luật): KSV là chức danh tư pháp bổ nhiệm cho người làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong cơ quan thuộc hệ thống VKSND. Chất lượng KSV gắn liến với chất lượng hoạt động của VKS, do đó cơ chế tuyển chọn KSV là một cơ chế quan trọng trong thực hiện yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân lần này cho thấy cơ chế tuyển chọn kết hợp với thi tuyển để bổ nhiệm Kiểm sát viên tại các điều 75, 76, 77 dự thảo Luật là có tính mới và đột phá, vừa đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng chức danh tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW, đồng thời cũng phù hợp với điều kiện, thực trạng cán bộ của nước ta hiện nay.
Việc tổ chức các hội đồng tuyển chọn đa thành phần tuy bảo đảm sự giám sát đối với ngành Kiểm sát trong công tác tuyển chọn cán bộ, nhưng thực tiễn cho thấy nhiều bất cập như việc tổ chức hội đồng khó khăn; có nơi, có chỗ còn nặng tính hình thức; cơ quan có nhu cầu sử dụng cán bộ chưa được chủ động, kịp thời trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi hẳn sang hình thức thi tuyển thì mới chỉ bảo đảm được trình độ, năng lực của Kiểm sát viên, còn tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức là yếu tố rất cần thiết đối với cán bộ tư pháp thì có thể không kiểm tra được.
Tôi đồng tình với dự thảo Luật quy định về Ủy ban kiểm sát tiến hành việc xét tuyển tại Điều 76. Đây là khâu sơ tuyển, cần những người thực sự hiểu rõ về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của ứng viên. Ủy ban kiểm sát làm việc theo cơ chế thảo luận tập thể và quyết định theo đa số nên có thể bảo đảm tính khách quan. Thực tế hiện nay, Ủy ban kiểm sát vẫn đang thực hiện việc tuyển chọn Kiểm sát viên để chuẩn bị hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn. Cơ chế này bảo đảm tính thận trọng, đồng thời, giúp cho ngành Kiểm sát chủ động, linh hoạt hơn khi có nhu cầu bổ nhiệm Kiểm sát viên.
Tôi nhất trí hình thức tổ chức Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên mang tính quốc gia, chỉ có một hội đồng ở VKSND tối cao; quy định này phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW.
3. Nhiệm kỳ của Kiểm sát viên quy định tại (Điều 66 của Dự thảo Luật) tôi đồng với phương án 2 quy định “KSV các ngạch được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm. Trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm. Việc quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng của đội ngũ KSV. Trong điều kiện tổ chức và hoạt động cũng như cơ chế giám sát KSV hiện nay, nếu quy định bổ nhiệm KSV không thời hạn sẽ tạo ra tâm lý trì trệ, không chịu phấn đấu rèn luyện. Như vậy, ảnh hưởng lớn tới chất lượng công tác của VKS. Việc quy định thời hạn bổ nhiệm KSV sẽ tạo điều kiện cho KSV rèn luyện, phấn đấu sau mỗi kỳ bổ nhiệm để tự hoàn thiện bản thân. Đây cũng là một biện pháp quản lý, giám sát hoạt động KSV một cách hiệu quả của cơ quan quản lý cán bộ, đồng thời cũng tạo động lực để nâng cao phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm của KSV trong thực thi nhiệm vụ.