DetailController

Văn hóa

Quan tâm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

23/07/2014 00:00
Qua 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong tỉnh về cơ bản có những chuyển biến tích cực. Nhìn chung, hoạt động văn học, nghệ thuật đã có nhiều cố gắng trong tìm tòi sáng tạo, tham gia đấu tranh với cái ác, cái xấu, bảo vệ cái đẹp, cái thiện; góp phần xây dựng môi trường văn hóa, có tác dụng tốt đối với việc hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh trong xã hội.
Huyện Lạc Sơn chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa

Trong thời gian qua, công tác quy hoach, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật được đẩy mạnh, đặc biệt chú trọng công tác xây dựng cán bộ quản lý kế cận, phát triển lực lượng văn nghệ sỹ ngày càng lớn. Tỉnh ủy luôn coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; phát hiện, bồi dưỡng các tài năng thông qua việc mở trại sáng tác. Từ đó, có kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn bổ sung vào đội ngũ hoạt động văn học, nghệ thuật. Đến nay, toàn tỉnh có 296 biên chế quản lý, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong đó cấp tỉnh có 98% trình độ đại học chuyên môn trở lên; cấp huyện và xã, phường có 95 % trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật tỉnh ta đã quan tâm giữ gìn, phát huy và quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống; lên án những tập tục lạc hậu, tiêu cực trong xã hội. Có chính sách, chế độ đãi ngộ để khuyến khích các văn nghệ sỹ sáng tác. Tạo điều kiện cho các tác giả tìm tòi, thể nghiệm các phương pháp, đề tài, nâng cao chất lượng tác phẩm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm duyệt, thẩm định nội dung và kiểm tra các chương trình nghệ thuật. Gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các công trình nghệ thuật thu hút đầu tư và du lịch, với phương châm xã hội hóa hoạt động văn hóa, khuyến khích các đơn vị tư nhân xây dựng bảo tàng, khu trưng bày.

Văn nghệ quần chúng có sức hút mạnh mẽ đối với nhân dân, vì vậy việc phát triển phong trào luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, coi trọng. Qua tổ chức các chương trình liên hoan hát dân ca, hội thi nghệ thuật quần chúng, thi trình diễn trang phục dân tộc… đã thu hút hàng nghìn diễn viên, nghệ nhân tham gia, nhiều chương trình, tiết mục đạt chất lượng cao, dàn dựng công phu, đặc sắc. Các lớp mua và đánh cồng chiêng được mở tại các địa phương; câu lạc bộ thơ, hội họa, nhiếp ảnh, văn nghệ quần chúng được khuyến khích phát triển; lớp dạy chữ dân tộc, một số lớp dân ca, hát đối, hát ru, thường rang, bộ mẹng… duy trì tốt. Bên cạnh đó, thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ cho hoạt động văn học, nghệ thuật không ngừng được tăng cường. Các nhà văn hóa thôn bản đã phát huy tốt hiệu quả trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: một số cơ chế, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật bộc lộ những bất cập, không phù hợp với thực tiễn; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý của tỉnh vừa thiếu, vừa yếu nên không theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho thiết chế văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở còn thiếu; hoạt động văn học, nghệ thuật có sự chuyển biến nhưng chưa đồng đều giữa sáng tác và phổ biến tác phẩm; hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thật sôi nổi, chưa được thường xuyên, chuyên nghiệp; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ chưa có sự đầu tư thỏa đáng, chưa có biện pháp và chế độ đãi ngộ để phát hiện và bồi dưỡng tài năng.

Để tiếp tục thực hiện xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đối với hoạt động văn học, nghệ thuật; quan tâm hỗ trợ hoạt động chuyên môn và phong trào cho Hội văn học - nghệ thuật và các chi hội chuyên ngành; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho hoạt động văn học, nghệ thuật; có chính sách bồi dưỡng, chăm lo, đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sỹ; tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng; đẩy mạnh hoạt động sáng tác trong lực lượng hội viên và nhân dân; tiếp tục nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức. Đồng thời, tích cực đấu tranh chống các  quan điểm sai trái, âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trong văn học, nghệ thuật. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đa dạng các hoạt động giới thiệu, quảng bá tác phẩm nhằm đưa văn học, nghệ thuật đến mọi vùng, mọi đối tượng trong nhân dân. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hóa, nghệ thuật. Lãnh đạo các ngành, các địa phương quan tâm xây dựng phong trào văn hóa, nghệ thuật trong cơ quan, đơn vị và địa phương mình. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, định hướng hoạt động văn học, nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và cả nước. Ngăn chặn, đẩy lùi, chống các khuynh hướng, biểu hiện lệch lạc, sai trái trong sáng tạo, biểu diễn và hưởng thụ văn học, nghệ thuật./.