Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 đã xác định “Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề” là một trong 2 giải pháp đột phá để thực hiện chiến lược; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 coi “Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục” là giải pháp then chốt để thực hiện chiến lược.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số đơn vị khác tham gia đào tạo. Trung bình mỗi năm, có trên 14.000 người được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 56% (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,64%). Toàn tỉnh hiện có 14 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia. Gồm công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền, hàn, vận hành cần - cầu trục, vận hành nhà máy thủy điện, chăn nuôi và thú y, công nghệ may - thời trang, lâm sinh, quản trị mạng máy tính, hướng dẫn du lịch, điện công nghiệp, nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, biểu diễn nhạc cụ phương tây. Các nghề đạt cấp độ khu vực ASEAN như điện công nghiệp, vận hành máy thi công nền và thanh nhạc. Các ngành nghề trọng điểm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đảm bảo theo yêu cầu đào tạo nên thu hút số lượng học viên ngày càng lớn, tuyển sinh hàng năm vượt quy mô được cấp phép.
Ngành nghề từng bước được mở rộng, đa dạng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Vì vậy đội ngũ giáo viên trong các cơ sở đào tạo nghề có sự biến động cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo năm 2021 của Sở LĐ,TB&XH, tổng số giáo viên dạy nghề là 888 người. Trong số đó có 146 người trình độ sau đại học, 499 người có trình độ đại học, 85 người trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ khác 158 người. Đội ngũ nhà giáo ở các trường cao đẳng, trung cấp cơ bản đủ số lượng và tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Tuy nhiên, số lượng nhà giáo có tay nghề, bậc thợ cao, có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chiếm tỉ lệ chưa cao; các trung tâm GDNN – GDTX, đội ngũ giáo viên nghề vừa thiếu vừa yếu do chính sách thu hút còn hạn chế.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhà giáo, giáo viên dạy nghề song thu nhập thực tế của nhà giáo, giáo viên dạy nghề thấp hơn so với một số ngành nghề khác nên không thu hút được học sinh giỏi theo học các trường sư phạm, giáo viên giỏi tâm huyết với nghề.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề đã được quan tâm và cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Còn thiếu nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng thực hành tốt; chế độ thu hút, khuyến khích nhà giáo còn thấp….Chế độ chính sách cho giáo viên dạy nghề đã được quan tâm nhưng nhìn chung thu nhập còn thấp; đời sống khó khăn, điều kiện làm việc còn hạn chế nên chưa thực sự yên tâm công các, ở vùng nông thôn, miền núi cao, một số vị trí việc làm khó tuyển dụng giáo viên vào ngành, thậm chí ở một số nơi đã có hiện tượng xin nghỉ việc, chuyển sang làm ngành nghề khác.
Nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, các cơ sở GDNN cần tiếp tục xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng tài liệu, chương trình bồi dưỡng phù hợp. Tạo điều kiện để giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Các cơ sở GDNN cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có hàm lượng công nghệ cao trong các dây chuyền sản xuất, để giáo viên cập nhật thường xuyên về khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới. Đồng thời tiếp tục tốt chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên dạy nghề để họ yên tâm công tác và nhiệt tình, trách nhiệm với công việc./.