Công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành được quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả trong năm đầu tiên tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành chương trình từ cấp tỉnh đến cơ sở tạo được sự thống nhất cao trong chỉ đạo điều hành. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo, giao cho Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực Chương trình. Thành lập Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 của tỉnh để tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo tổ chức điều phối các hoạt động của Chương trình trên địa bàn tỉnh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp thống nhất, xây dựng phương án giao, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 của tỉnh 1.573.509 triệu đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương 1.430.462 triệu đồng; nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương 143.047 triệu đồng (vốn ngân sách tỉnh 7.706 triệu đồng, vốn ngân sách huyện 135.341 triệu đồng). Giao, phân bổ kế hoạch năm 2022 thực hiện Chương trình, vốn đầu tư phát triển 274.535 triệu đồng; vốn sự nghiệp 149.025 triệu đồng đảm bảo đúng quy định về tiêu chí, định mức phân bổ theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Về huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, nguồn ngân sách Trung ương vốn đầu tư phát triển 274.535 triệu đồng; vốn sự nghiệp 149.025 triệu đồng. Nguồn ngân sách địa phương 7.844 triệu đồng. Trong đó, vốn đối ứng ngân sách huyện, vốn đầu tư phát triển 7.304 triệu đồng; ngân sách tỉnh vốn sự nghiệp 540 triệu đồng. Vốn khác 7.745 triệu đồng. Trong đó nguồn tín dụng trực tiếp cho các dự án 4.640 triệu đồng; vốn lồng ghép do nhân dân đóng góp 3.105 triệu đồng. Kế hoạch năm 2022 về nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện đầu tư theo Luật đầu tư công hiện hành; chưa thực hiện đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thường xuyên, tập trung cao cho công tác tuyên truyền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mặt trận tổ quốc, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, Trung ương, tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức về quan điểm đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thông báo công khai kế hoạch, danh mục và vốn đầu tư của Chương trình để nhân dân, cộng đồng biết và cùng chung tay thực hiện, đồng thời tự kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, nhân dân có nhận thức đúng về thực hiện các dự án thuộc Chương trình, khơi dậy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong Nhân dân, tạo động lực nhằm phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới./.