Tính đến nay, trên toàn tỉnh có 512 hợp tác xã (HTX), số thành lập mới từ năm 2021 đến nay là 146 HTX. Số Tổ hợp tác (THT) hiện tại là 209 THT, số THT thành lập mới từ năm 2021 đến nay là 42 THT. Các tổ chức kinh tế tập thể đã thu hút được trên 15,2 nghìn thành viên và 26.000 lao động tham gia. Thành viên tham gia kinh tế tập thể chiếm 7,83% số hộ trên toàn tỉnh, số lao động chiếm 3,53% số lao động trên 15 tuổi toàn tỉnh. Triển khai hướng dẫn các HTX hoàn thiện thủ tục nhận kinh phí hỗ trợ thành lập mới trong giai đoạn và bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thành lập mới là3.790,18 triệu đồng, trong đó năm 2022, UBND tỉnh quyết định giao 570,18 triệu đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ thành lập mới, chuyển đổi HTX theo Luật HTX 2012 cho 63 HTX trong giai đoạn 2018- 2020. Năm 2023, bố trí nguồn kinh phí thành lập mới HTX là 300 triệu đồng. Hàng năm HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao kinh phí nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện chính sách bồi dưỡng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý trong các hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã được tiếp cận các thông tin về sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và liên kết chuỗi giá trị; chuyển đổi số và ứng dụng cộng nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động; quản trị Marketing, kỹ năng bán hàng online; một số chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025; sản phẩm OCOP và chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP…, đồng thời nâng cao năng lực quản trị cho các hợp tác xã nông nghiệp. Tổ chức 2 lớp bồi dưỡng quản trị HTX cho 60 Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX; tập huấn trực tuyến nghiệp vụ kế toán, hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán cho các HTX thành viên qua phần mềm Zoom. Bồi dưỡng kiến thức tìm kiếm sáng lập viên cho 200 hội viên, đoàn viên thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ và các xã chuẩn bị về đích nông thôn mới. Bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các bộ trong khu vực kinh tế tập thể, cán bộ quản lý HTX 1.630 triệu.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện chính sách liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Kết nối cung cầu cho các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất quy mô lớn với các nhà máy chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, thông qua lồng ghép tại các Hội nghị chuyên ngành do Sở và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức, từ đó giúp hình thành các vùng nguyên liệu liên kết chuỗi cung ứng bền vững trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tổ chức 02 hội nghị kết nối cung cầu và giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội và tại Hải Phòng với 84 HTX, 66 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia; hỗ trợ cho 27 lượt HTX tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Tổ chức 10 Hội nghị tọa đàm chuyên đề giữa 52 doanh nghiệp và hơn 300 HTX tại các huyện, thành phố, tại hội nghị đã có ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp và HTX. Bố trí nguồn kinh phí cho xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm 4.414,5 triệu đồng. Trong đó, năm 2022, kinh phí xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm 480 triệu đồng. Kinh phí tổ chức Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du miền núi phía Bắc và tham gia hội chợ OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP 1.900 triệu; ngân sách địa phương đã hỗ trợ 82.5 triệu đồng cho chương trình xúc tiến thương mại, Năm 2023, hỗ trợ kinh phí tham gia Hội chợ, quảng bá sản phẩm OCOP trong nước 1.500 triệu đồng, ngân sách địa phương dự kiến hỗ trợ 139 triệu đồng cho chương trình xúc tiến thương mại.
Rà soát, đăng ký, hướng dẫn các chủ thể tại các địa phương có sản phẩm nông sản để hỗ trợ xây dựng theo tiêu chí và công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm OCOP là hợp tác xã nông nghiệp tham gia trưng bày tại các phiên chợ, hội chợ, lễ hội trong và ngoài tỉnh như phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình năm 2022, lễ hội triển lãm “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La”; Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2022… Tổng kinh phí tổ chức Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du miền núi phía Bắc và tham gia hội chợ OCOP, quảng bá sản phẩm OCOP năm 2022 là 1.900 triệu đồng, trong đó chủ yếu là sản phẩm của các HTX trong tỉnh như: HTX 3T Farm, HTX Hà Phong, HTX Nông nghiệp an toàn Yên Thủy, HTX Nông nghiệp Yên Trị; HTX Nông, lâm nghiệp Bảo Hiệu; HTX chăn nuôi lợn đen Mường Pa; HTX Dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác Mai Châu; HTX Chuối Viba… Hỗ trợ 25 HTX vay 6,39 tỷ đồng nguồn Quỹ hỗ trợ HTX tỉnh, đa số HTX được vay vốn sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả, thực hiện trả lãi vay đúng quy định. Thực hiện sáng kiến “Nâng cao nhận thức về Luật bảo vệ môi trường hướng tới thay đổi hành vi sử dụng phân bón & thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cho các thành viên HTX nông nghiệp huyện Cao Phong”./.