Năm 2015, mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh đã có bước phát triển nhanh, từng bước khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các vùng, ngành, giữa nhu cầu và năng lực đào tạo.
Hiện nay, toàn tỉnh có 41 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 10 trung tâm dạy nghề công lập, 4 trung tâm thuộc các hội, đoàn thể, 3 trung tâm ngoài công lập và 19 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề. Thời gian qua, các cơ sở dạy nghề đã năng động, linh hoạt trong việc tuyển sinh và tổ chức đào tạo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề của thị trường lao động. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tuyển và tổ chức dạy nghề cho 6.145 lao động, trong đó, 154 người có trình độ trung cấp nghề, 5.991 người có trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng.
Tuy nhiên, công tác giáo dục - đào tạo nghề của tỉnh còn gặp một số khó khăn như: người lao động học nghề có việc làm nhưng chưa bền vững; nhu cầu của thị trường lao động cũng thường xuyên biến đổi, có tình trạng khi người lao động học nghề xong thì nghề đó không còn phù hợp với điều kiện của địa phương; kinh phí dành cho công tác đào tạo nghề còn hạn hẹp...
Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo nghề, tỉnh ta đã xây dựng lại quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và dự báo đến năm 2030; đầu tư hỗ trợ đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề theo nhu cầu các địa phương trong tỉnh nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp của tỉnh và thực tế sản xuất; ưu tiên phát triển các ngành kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ cho sự phát triển KT-XH của tỉnh và các vùng lân cận. Triển khai có hiệu quả Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó ưu tiên dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với thị trường lao động; phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, tăng cường đào tạo theo tín chỉ. Củng cố đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh có định hướng về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tao thị trường lao động và xác định các ngành nghề đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Chú trọng mở rộng các mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm. Đa dạng hoá đào tạo nghề gắn với thị trường lao động như: mở các sàn giao dịch lưu động ở các địa phương, tư vấn dạy nghề và việc làm, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Phấn đấu đến năm 2020, 10/10 huyện thực hiện xong việc sát nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện với Trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 266/TB-VPCP ngày 09/7/2014 và Thông báo số 362-VPCP ngày 08/9/2014 của Văn phòng Chính phủ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 60%; trong đó, số bằng tốt nghiệp và chứng chỉ đạt từ 20 - 22%. Tăng cường phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở để hằng năm thu hút ít nhất 15% số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học nghề./.