DetailController

Tin từ các đơn vị

Quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

14/09/2022 00:00
Hòa Bình là một trong 10 tỉnh trên phạm vi toàn quốc có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, với dân số toàn tỉnh 85,4 vạn người, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,43% dân số, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, còn lại là một số dân tộc thiểu số khác. Với điều kiện về địa hình, phân bố dân cư, truyền thống lịch sử từ xa xưa, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh chủ yếu sinh sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực có diện tích tự nhiên rất rộng nhưng bị chia cắt bởi núi đá, sông, suối, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng chính là tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và phát triển kinh tế xã hội bền vững của đất nước.

Trong giai đoạn 2016-2020, số xã, phường, thị trấn được phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là 210/210 xã, phường, thị trấn, nghĩa là toàn tỉnh Hòa Bình ta đều thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, số xã, phường, thị trấn được phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là 145/151 xã, phường, thị trấn (06 xã, phường, thị trấn không thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; thị trấn Chi Nê và xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy; các phường Phương Lâm, Đồng Tiến và Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình). Theo Quyết số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hòa Bình có 59 xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), 12 xã thuộc khu vực II (xã còn khó khăn), 74 xã thuộc khu vực I (xã bước đầu phát triển). Đây là căn cứ để xác định địa bàn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. 

Trong bối cảnh cả nước phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Toàn tỉnh, có 65/129 xã khu vực nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới với tỷ lệ 50,4%; 100% các xã có điện lưới quốc gia. Kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc. Đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi có điều kiện thuận lợi và được xác định là vùng động lực trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như Lương Sơn, Lạc Thủy, thành phố Hòa Bình có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường, khoa học kỹ thuật, dịch vụ để phát triển kinh tế, tỉnh đã dồn lực để tập trung đầu tư và phát triển hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào thực sự được nâng lên, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả về phát triển toàn diện khu vực nông thôn và đã hình thành những đô thị mới trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nông thôn mới.

Qua hơn 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín, việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã mang lại kết quả rất khả quan. Những đóng góp tích cực trong các hoạt động xã hội, người có uy tín luôn xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số./.