Để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi cho thanh niên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các giải pháp khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và hợp tác xã nhằm tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn. Hoạt động tư vấn, giải quyết, tuyển dụng lao động đi làm tại các khu công nghiệp được tăng cường. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, học nghề, nhất là thanh niên, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2017-2020 với các nhóm giải pháp cụ thể. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ký kết Chương trình phối hợp với tỉnh Quảng Ninh trong việc hợp tác tuyển sinh học nghề và cung ứng lao động của tỉnh Hòa Bình cho tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn 2008 đến 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 278.026 lao động; trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên là 198.736 người. Trung bình hàng năm số lao động được giải quyết việc làm trong độ tuổi thanh niên chiếm 71,5%. Có 8.573 lao động được xuất khẩu đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó thanh niên là 7.789 người, chiếm 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Chương trình xuất khẩu lao động được quan tâm thực hiện và được coi là một trong những giải pháp công tác xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể hướng dẫn chỉ đạo theo ngành dọc đến các huyện, thành phố, chủ động lựa chọn và giới thiệu các doanh nghiệp chuyên doanh xuất khẩu lao động về địa phương, tổ chức thông tin, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tuyển chọn lao động trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đã được cấp phép vào các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc Ả rập xê út, Đài Loan, Liên Bang Nga, Hungary, CHLB Đức,…
Công tác truyền thông về định hướng nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên chủ trì, phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, các buổi tọa đàm với thanh niên ngay tại trường trung học phổ thông; để tư vấn định hướng về việc làm, giúp thanh niên tiếp cận và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng thông tin của Trung tâm, niêm yết bảng thông báo tại Trung tâm và chi nhánh Văn phòng bảo hiểm thất nghiệp tại các huyện, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận, tìm hiểu. Trong 6 năm (2008-2024), Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn về việc làm và định hướng nghề cho trên 89.400 lao động trong độ tuổi thanh niên, có trên 26.800 lao động trong độ tuổi thanh niên được các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp. Ngoài ra,Trung tâm đã tổ chức các lớp giáo dục định hướng xuất khẩu lao động để cung ứng nguồn lao động sang thị trường ngoài nước.
Hàng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở dạy nghề tổ chức triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, thanh niên dân tộc thiểu số. Phối hợp cơ quan chức năng và các địa phương tham gia công tác đào tạo nghề, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Căn cứ tình hình thực tế, Sở đã ban hành các văn bản thông báo chỉ tiêu kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu được giao. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp theo quy định; qua đó, đã đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 5.300 người hoàn thành trình độ Cao đẳng và Cao đẳng nghề; 31.100 người hoàn thành Trung cấp và Trung cấp nghề. Đối với Sơ cấp và dạy nghề thường xuyên, đã có 33.600 người hoàn thành; trong độ tuổi thanh niên, chiếm chiếm khoảng 40%. Công tác giáo dục nghề nghiệp đã giúp giải quyết được việc làm phù hợp cho nhiều đối tượng lao động nông thôn ở các địa phương, quan trọng hơn, qua đào tạo nghề giúp lao động nông thôn có thêm những kiến thức mới về hội nhập kinh tế, kiến thức về khởi nghiệp, về cách ứng xử với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Các cơ sở dạy nghề không chỉ thuần túy dạy nghề mà còn tư vấn, hướng dẫn người dân cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động sau khi học nghề có việc làm, thu nhập ổn định./.