DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Quan tâm, chăm sóc, giáo dục và Bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh

12/12/2023 15:55
Theo thống kê, năm 2023 tỉnh Hòa Bình có 226.451 trẻ em, chiếm 25,80% dân số tỉnh. Trong đó: trẻ em nam 116.578 trẻ (chiếm 51,48%); trẻ em nữ 109.873 trẻ, chiếm 48,52%; trẻ em dân tộc Kinh 53.368 trẻ (chiếm 23,56%); trẻ em dân tộc khác 173.083 trẻ (chiếm 76,43%). Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc14 nhóm trẻ có 2.886 trẻ (chiếm 1,24% dân số trẻ em ) và 52.840 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trong đó trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo 48.978 trẻ em). Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục và Bảo vệ trẻ em luôn được các cấp Ủy đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được đảm bảo các quyền cơ bản, được chăm sóc, học tập và vui chơi giải trí lành mạnh, thân thiện.
Ủy ban nhân dân huyện Kim Bôi phối hợp với tổ chức Childfund tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và diễn đàn trẻ em năm 2023

Công tác bảo vệ trẻ em được các cấp, các ngành, địa phương thực hiện ở cả 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp: Các cấp, ngành, đoàn thể liên quan đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Gia đình, cộng đồng xã hội đã có ý thức chủ động hơn với chăm sóc, bảo vệ, phòng ngừa xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông nâng cao hiểu biết, kỹ năng bảo vệ trẻ em và tham gia vào các mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng.

Hệ thống dịch vụ Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Ban bảo vệ trẻ em các cấp (1/10/151), có trách nhiệm quản lý, điều phối và thực hiện các hoạt động Bảo vệ trẻ em các cấp. Hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời bám sát yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng được xã hội hóa sâu rộng thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bị tổn thương được bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ dưới nhiều hình thức: Trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng và tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng như hưởng các phúc lợi xã hội khác. Thực hiện cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em: 100% đăng ký khai sinh đúng thời gian quy định; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; Tỷ lệ trẻ em <1 tuổi được tiêm chủng 6 loại vắc xin đạt trên 95%; 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo vệ trẻ em tiếp nhận nuôi dưỡng 34 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Quỹ bảo vệ trẻ em tỉnh tại Trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tại cộng đồng đã tổ chức khám sàng lọc tim cho hơn 1.000 trẻ, trao học bổng cho trẻ em vượt khó, tổ chức tặng quà cho trẻ khuyết tật, trẻ điều trị tại cơ sở y tế; hỗ trợ đột xuất cho 37 trẻ bị xâm hại, tai nạn thương tích. Ban bảo vệ trẻ em cấp xã, người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp thôn bản luôn theo dõi tình hình, nắm bắt thông tin về trẻ em trên địa bàn, tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình và trẻ em khi gặp rủi do, phối hợp chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ kinh phí, tư vấn cho gia đình nhằm để trẻ ổn định cuộc sống, tinh thần và đảm bảo các quyền trẻ em. Ngoài ra, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình của trẻ em được tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, trợ giúp pháp lý và huy động các nguồn trợ giúp khác nhằm cải thiện điều kiện sống cho trẻ em.

Công tác chăm sóc, chăm lo đời sống cho trẻ em luôn nhận được sự quan tâm của các cấp Ủy đảng chính quyền địa phương và Nhân dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là vào các dịp Lễ, Tết của dân tộc như Tết Nguyên đán, Quốc tế thiếu nhi 01/6, Tết Trung thu, ngày hội đến trường: Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà 4.594 xuất quà đến trẻ em khó khăn trong dịp tết tổng trị giá 1.945 triệu đồng cho các gia trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bà. Trong Tháng hành động vì trẻ em, ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, tổ chức “Đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với trẻ em” và nhân dịp này đã tổ chức gặp mặt, trao quà cho 540 trẻ em; tặng học bổng cho 100 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trao quà cho trẻ em tham gia dự, tổng trị giá 356,5 triệu đồng. Các địa phương đã tổ chức 112 điểm phát động với hơn 40.000 trẻ em tham dự, vận động các nguồn lực tặng quà cho 8.858 trẻ em, trị giá 2,31 tỷ đồng và cấp học bổng cho 466 trẻ em, trị giá 337,3 triệu đồng; công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được đảm bảo thông qua các chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, chương trình tiêm chủng, khám, điều trị, tư vấn và hướng dẫn điều trị các bệnh ở trẻ em; cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bị tổn thương được bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ dưới nhiều hình thức như: hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ về y tế, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng và tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em cũng như hưởng các phúc lợi xã hội khác.

Toàn tỉnh đã duy trì kết quả phổ cập giáo dục mẫu giáo mầm non cho trẻ 5 tuổi, hoàn thành chương trình giáo dục mầm non cho 100% trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đạt tỷ lệ trên 97% và phổ cập xoá mù chữ ở các mức độ độ tuổi. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 531 đơn vị trường học, trong đó: 222 trường mầm non; 27 trường tiểu học, 193 trường TH&THCS; 26 trường THCS; 35 trường THPT và một số đơn vị trường học khác. Ngoài ra còn có 46 cơ sở giáo dục mầm non độc lập và 151 Trung tâm học tập cộng đồng. Tổng số 58.677 học sinh mầm non, 85.145 học sinh tiểu học; 58.477 học sinh TTHCS; 25.875 học sinh THPT.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục cho trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, nhà trường, bậc phụ huynh quan tâm tạo điều kiện cho trẻ đi học, vui chơi, giải trí. Thực hiện có hiệu quả, chủ trương xã hội hoá giáo dục, đa dạng hoá các loại hình trường học. Các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp cho cộng đồng, các hoạt động ngoại khóa về các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trẻ em được triển khai liên tục. Đồng thời, thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đã thực hiện lồng ghép chương trình bảo vệ trẻ em như: Chương trình ngày hội sách và văn hóa đọc; Thư viện lưu động tại các điểm trường; các buổi nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa, hội thi, hội diễn, tọa đàm, treo băng rôn khẩu hiệu các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Quốc tế Gia đình (15/5). Phối hợp tổ chức các hoạt động cuộc thi sáng tác tranh cổ động, cuộc thi tìm hiểu sách và văn hóa đọc cho thiếu nhi; thi tiếng hát học sinh; cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”… Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý và đảm bảo an toàn của các thiết bị vui chơi tại khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Toàn tỉnh có 81/151 xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em, chiếm 53,64%./.