DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật

17/04/2017 00:00
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện nay có 22.038 người khuyết tật, chiếm 3% dân số của tỉnh, với các dạng tật như: khuyết tật vận động, nghe nói, nhìn; khuyết tật trí tuệ, thần kinh, tâm thần. Trong đó người khuyết tật không có khả năng lao động 6.123 người, chiếm 27,7%. Công tác chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ người khuyết tật thường xuyên được các cấp, các ngành ở địa phương quan tâm; đặc biệt thông qua đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Trẻ em khuyết tật không nơi nương tựa được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở LĐ,TB&XH)

Ông Bùi Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT&TMC cho biết: Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, ngay từ đầu năm, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mô côi tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội trong tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ đóng góp quỹ hội để thăm tặng, trợ giúp đối tượng tàn tật và trẻ mồ côi. Bên cạnh các hoạt động trợ giúp bằng tặng quà, học bổng, xe đạp, xe lăn, xe đẩy, Hội Bảo trợ NTT&TMC đã phối hợp với Trung tâm tư thục Long Thành (thành phố Hòa Bình), Trung tâm dạy nghề nhân đạo Minh Đức (Lương Sơn), Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa (Mai Châu)…tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động như: nghề may công nghiệp, may dân dụng, thêu tay truyền thống, mây tre đan, chăn nuôi. Đến nay, hơn 90% người khuyết tật sau khi học nghề tại các Trung tâm dạy nghề đã có việc làm, đảm bảo cuộc sống cho bản thân với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng - 2 triệu đồng/tháng. Nhiều em sau khi học nghề, được gia đình, Hội tạo điều kiện đã mở cơ sở tư nhân và thu nhận các em khuyết tật khác đến làm việc.

Là một trong nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có nhận người khuyết tật vào làm việc, Trung tâm bảo trợ xã hội nhân đạo Minh Đức (huyện Lương Sơn) đã thu hút và giải quyết việc làm cho  trên 50 lao động là người khuyết tật, đảm bảo mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/ người/ tháng. Trung tâm bảo trợ xã hội nhân đạo Minh chủ yếu đào tạo các nghề thêu ren, thêu tay truyền thống. Mặc dù năng suất làm việc của người khuyết tật không bằng người bình thường, tuy nhiên Ban giám đốc không đặt nặng vấn đề này. Cái quan trọng là mục tiêu giúp người khuyết tật tự tin vào năng lực bản thân, hăng say làm việc và sống có ích hơn trong xã hội.

Bên cạnh đó, hàng năm Hội Bảo trợ NTT&TMC đã phối hợp với Sở LĐ,TB&XH, Hội Chữ thập đỏ thường xuyên tuyên truyền vận động cộng đồng trợ giúp người tàn tật và trẻ mồ côi như: xây dựng, nâng cấp nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh miễn phí và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn còn những người khuyết tật có mặc cảm, tự ti, sống khép kín. Để chia sẻ những khó khăn của người khuyết tật, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội; đặc biệt không phân biệt đối xử với họ để họ mất tự tin, cảm thấy mình là gánh nặng cho mọi người. Mặt khác, cũng cần nâng cao các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ người khuyết tật ngay tại địa phương, cộng đồng.

Thời gian tới, Hội Bảo trợ NTT&TMC tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp cho người khuyết tật, phấn đấu vận động nguồn quỹ trợ giúp năm 2017 đạt trên 1 tỷ đồng (bao gồm cả giá trị hàng hóa và tiền mặt); tặng 50 xe đạp, 50 xuất học bổng cho học sinh là trẻ mồ côi; trao tặng 300 xe lắc cho người khuyết tật; thực hiện chương trình tặng bò sinh sản hỗ trợ sinh kế và nhà tình thương cho người khuyết tật và trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn trong chương trình xây dựng NTM; phối hợp thăm hỏi, tặng quà động viên nhân dịp lễ tết và ngày truyền thống người tàn tật và trẻ mồ côi; đẩy mạnh chương trình dạy nghề cho người khuyết tật, tạo động lực để họ vươn lên trở thành những tấm gương sống nghị lực, có ích cho xã hội./.