DetailController

Giáo dục

Quan tâm, chăm lo giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn

08/09/2021 00:00
Thời gian qua, công tác giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm; hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được ổn định về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất, phấn đấu nâng cao tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học ở trường nội trú. Toàn tỉnh hiện có 11 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở, 01 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông tỉnh, 03 trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở, 09 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở.
Cơ sở vật chất trường các trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư, nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy học sinh là người dân tộc thiểu số của tỉnh

Hằng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo đảm bảo công tác tuyển sinh vào các trường phổ thông dân tộc nội trú công khai, công bằng, dân chủ, có chất lượng thông qua hình thức thi và xét tuyển. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, các hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc điểm tân sinh lý lứa tuổi học sinh dân tộc thiểu số như: Mô hình trải nghiệm với bản sắn văn hóa quê hương; hoạt động ngoại khóa chủ đề “Phòng, chống ma túy”, chủ đề “Tiếp bước cha anh”, “Em yêu biển đảo quê hương”; Hội thi văn nghệ các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; Cuộc thi “Tìm hiều bản sắc văn hóa dân tộc Mường Hòa Bình”, “Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái” và “Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Dao”; phối hợp với Tỉnh đoàn Hòa Bình tổ chức Liên hoan Tiếng hát Học sinh - Sinh viên… Cùng nhiều hoạt động khác gắn với các hoạt động của nhà trường theo từng cấp học, bậc học.

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật và các quy định khác trong năm học 2020 - 2021. Chế độ học sinh được hưởng theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn: Hỗ trợ 9.653 học sinh bán trú của các trường tiểu học, trung học cơ sở, tiểu học và trung học cơ sở với tổng kinh phí trên 52 tỷ đồng; 1.907 học sinh bán trú của 12 trường phổ thông dân tộc bán trú với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng; 4.924 học sinh của các trường trung học phổ thông với tổng kinh phí trên 32 tỷ đồng. Cấp học bổng và hỗ trợ các chế độ khác cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú theo Thông tư liên tịch số 109/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 4.087 học sinh với tổng kinh phí trên 71 tỷ đồng. Hỗ trợ cho 8 sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí 62 triệu đồng. Thực hiện chế độ đối với 90 học sinh, sinh viên của Trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Thực hiện chế độ cho 3 học sinh theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người với kinh phí trên 29 triệu đồng.

Chỉ đạo các trường phổ thông dân tộc nội trú thực hiện tốt công tác nội vụ, công tác nuôi ăn, ở cho học sinh. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động trải nghiệm cho học sinh với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm sinh lí lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh. Tổ chức hoạt động ngoại khóa cấp tỉnh “Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Dao” cho học sinh trung học phổ thông huyện Đà Bắc. Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, chú trọng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số và tích cực hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong môn học và hoạt động giáo dục; bồi dưỡng kiến thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, cộng đồng. Đẩy mạnh bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức ở vùng dân tộc và miền núi, tổ chức dạy, kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mông, Thái cho 883 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm đến các hoạt động tại các nhà trường trên địa bàn giúp đỡ như Lễ khai giảng, sơ kết học kỳ, tổng kết năm học; tập huấn bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên; tổ chức các Đoàn công tác đến thăm, đồng thời kêu gọi các đơn vị tài trợ, giúp đỡ các trường học trên địa bàn 3 xã Mường Chiềng, Tân Pheo, Giáp Đắt (huyện Đà Bắc)./.