Hòa Bình là một tỉnh miền núi, cơ cấu dân số (đến ngày 01/4/2019) ở khu vực nông thôn là 720.050 người, chiếm 84,3%; lực lượng lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 60% lao động của toàn tỉnh. Theo thống kê, lao động trong độ tuổi: 534.650 người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc: 550.405 người; Dân số hoạt động kinh tế (lực lượng lao động): 467.755 người, số lao động thất nghiệp: 1.497 người; tỷ lệ thời gian sử dụng lao động của lao động khu vực nông thôn đạt 86%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị: 1,23%. Cơ cấu nguồn lao động của tỉnh chia theo trình độ đào tạo: Đại học, trên đại học: 26.410 người; Cao đẳng: 17.814 người; Trung cấp: 34.247 người; Sơ cấp, chứng chỉ đào tạo: 120.123 người; số người được chuyển giao công, được kèm cặp, truyền nghề, tự học: 99.726 người.
Hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐNT chủ động, phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Học tập cộng đồng, khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn để xác định số lượng, ngành nghề người lao động có nhu cầu học để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo các lớp nghề phù hợp và sát với nhu cầu thực tế học nghề của người lao động. Trong giai đoạn 2010-2015, đã tổ chức đào tạo 851 lớp theo các trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 25.580/45.000 lao động, đạt 56,8% mục tiêu so với kế hoạch đề ra; Giai đoạn: 2016-2019: đã hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo được 696 lớp theo các trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 18.567 lượt lao động, năm 2020 đào tạo cho 6.700 lao động, tổng giai đoạn ước đạt 25.627/45.000 đạt 56,9% mục tiêu so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, việc tổ chức nhân rộng các mô hình dạy nghề hiệu quả được quan tâm. Tiêu biểu, nhân rộng nghề may công nghiệp tại một số doanh nghiệp: Công ty TNHH Hùng Như, huyện Kim Bôi, Công ty May Việt Hàn, Công ty cổ phần Lạc Thủy; Nghề Thêu dệt thổ cẩm tại HTX du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu; Mô hình gia đình Bà Lò Thị Kíu, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu; Nghề mây tre đan của bà Bùi Thị Hạ, xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi; Nghề chổi chít xuất khẩu của bà Bùi Thị Khóa, xã Hợp Kim, huyện Kim Bôi; Nghề chổi chít xuất khẩu của hộ kinh doanh cá thể Ngô Quang Khương, thành phố Hòa Bình. Nghề trồng và chăm sóc cây có múi ở huyện Cao Phong được nhân rộng tại các huyện Tân Lạc, Kỳ Sơn; Nghề Chăn nuôi gà: Mô hình gia đình Bà Bùi Thị Lịch, Bùi Thị Thúy, Thôn Chùa, Phú Thành, Lạc Thủy; Mô hình nuôi gà đồi ở huyện Lạc Sơn, nuôi cá trên lòng hồ Sông Đà, trồng rau sạch tại huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, nuôi dê ở huyện Đà Bắc… Đặc biệt mở lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn, lễ tân cho các hộ kinh doanh du lịch theo mô hình homestay (huyện Đà Bắc), các khu du lịch như Bản lác (xã Chiềng Châu), Bản Văn, Bản Poong Cọng (Thị trấn Mai Châu), Bản Mông 2 (xã Pà Cò, Hang Kia), Bản Bước (xã Xăm Khòe) của huyện Mai Châu và một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn Suối khoáng…. huyện Kim Bôi) nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và loại hình du lịch cộng đồng nói riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Tới hết năm 2019 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,2%; hết năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề khoảng 50,6%.
Theo kế hoạch của tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025: Tổ chức và tuyển sinh đào tạo cho khoảng 75.000 người, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25% (Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025). Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tập trung tổ chức thực hiện tốt kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 26/7/2019 về Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh, từng bước giúp người dân và phụ huynh, học sinh nhận thức đúng vị trí, hiệu quả của việc học nghề để dễ dàng tìm kiếm việc làm, đảm bảo thu nhập. Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong điều kiện kinh tế hội nhập. Đẩy mạnh việc hợp tác 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp, liên kết giữa trường với doanh nghiệp./.