Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của nhân dân. UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập các Tổ công tác liên ngành, nhằm siết chặt công tác quản lý, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm mỗi trường ảnh hướng đến cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của nhân dân.
Qua kết quả của các đợt thanh tra, kiểm tra, tổ công tác liên ngành đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp đã vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản như: Không lắp đặt trạm cân tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; không lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực vận chuyển đá nguyên khai theo quy định; khai thác vượt 10% một trong các thông số của hệ thống khai thác, gồm: chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng; khai thác khoáng sản mà không có thiết kế mỏ theo quy định (không có thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh được thẩm định); bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoác sản nhưng thông tin, số liệu trên bản đồ, mặt cắt không thể hiện không đầy đủ và sai so với thực tế hiện trạng khai thác khoáng sản; không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định (năm 2020 - 2021); không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác (năm 2020 – 2021)…
Theo báo cáo và đề xuất của Tổ công tác Liên ngành, UBND tỉnh Hoà Bình đã yêu cầu tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường từ ngày 10/4/2023 đối với 16 đơn vị đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mà trong quá trình hoạt động khai thác chưa có thiết kế mỏ điều chỉnh (thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh) được thẩm định và phê duyệt theo quy định của pháp luật trên địa bàn như. UBND tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các đơn vị chỉ được hoạt động khai thác trở lại sau khi hoàn thành lập thiết kế mỏ điều chỉnh, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định của pháp luật và nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản theo quy định.
Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp Công an tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát việc tạm dừng sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các đơn vị trong thời gian tạm dừng hoạt động. Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư dự án khai thác mỏ thực hiện lập hồ sơ thiết kế mỏ điều chỉnh (thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh) trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Thẩm định, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, báo cáo việc hoàn thành khắc phục các vi phạm, thống nhất đề xuất UBND tỉnh xem xét việc cho phép hoạt động khai thác trở lại của các tổ chức, cá nhân./.