DetailController

Trồng trọt

Quản lý, khai thác và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm Cam quả của huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình

16/11/2023 16:30
Sản phẩm Cam quả của huyện Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” theo Quyết định số 3947/QĐ-SHTT ngày 15/11/2014 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Cao Phong số 00046 cho sản phẩm Cam quả nổi tiếng của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình gồm 04 giống cam: CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và cam Canh. Năm 2021, Chỉ dẫn địa lý Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ công bố bổ sung giống Cam V2 vào danh mục các sản phẩm Cam quả của huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, khu vực chỉ dẫn địa lý Cao Phong được bảo hộ đã được mở rộng diện tích ra toàn huyện Cao Phong.
Thương hiệu Cam Cao Phong được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn

Hằng năm, công tác triển khai quy định về hoạt động quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong luôn được các cấp có thẩm quyền quan tâm, sát sao chỉ đạo, đồng thời ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động quản lý, khai thác và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” như: Nghị quyết số 237/2023/NQ-HĐND ngày 07/4/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Quy định chính sách hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2023-2025; Chủ trương đầu tư dự án Tạo quỹ đất an toàn về sâu bệnh phục vụ trồng tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong; Đề án “Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” với vùng lõi là huyện Cao Phong là cơ sở tạo động lực cho việc phát triển lại vùng cam hết chu kỳ sản xuất, từ đó tạo mới vùng cam và áp dụng khoa học kỹ thuật từ đầu sẽ tạo ra một vùng sản xuất cam chất lượng và hiệu quả cao.

Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong với vai trò là cơ quan quản lý Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý, nâng cao giá trị sản phẩm mở rộng thị trường, qua đó góp phần phát triển thương hiệu cho sản phẩm cam của huyện nhà; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh thành khác trên cả nước nhằm hỗ trợ tiêu thụ mạnh mẽ và bền vững các sản phẩm cam Cao Phong cho bà con nông dân; phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu, điều chỉnh mở rộng chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm Cam của huyện Cao Phong” và dự án cấp quốc gia “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình” do Trung ương (Bộ Khoa học và Công nghệ) quản lý.

Hiện nay trên địa bàn huyện Cao Phong đã có 01 Hội sản xuất và kinh doanh Cam Cao Phong và 04 Hội trồng cam  được thành lập và có vai trò quan trọng,  tích cực trong công tác sản xuất và kinh doanh sản phẩm cam trên địa bàn huyện. Toàn huyện đã có 03 sản phẩm Cam đạt sản phẩm OCOP 4 sao  và 03 sản phẩm chế biến từ quả cam đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Niên vụ sản xuất cam, quýt năm 2022 - 2023 toàn huyện Cao Phong có trên 1.744 ha cam, quýt, bưởi các loại, trong đó cam, quýt thời kỳ kinh doanh trên 1.300 ha, sản lượng đạt trên 20.000 tấn, chủ yếu tập trung vào một số loại cam, quýt chủ lực như Cam CS1 (cam lòng vàng), cam Xã Đoài, cam Sông Con, cam Sành, cam Marrs, cam Đường Canh, quýt Ôn Châu, quýt Cao Phong..., các giống chín sớm và chính vụ nêu trên đã tiêu thụ hết trong năm 2022. Riêng đối với giống cam V2 là giống cam chín muộn, thời gian thu hoạch từ tháng 02/2023 đến cuối tháng 5/2023, chiếm khoảng trên 15% sản lượng. Đến nay các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ nông dân trên toàn huyện đã thu hoạch xong 100% sản phẩm cam quả tại các vườn sản xuất và kinh doanh cam. Năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha, giá thành bán ra trung bình 25.000đ /kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh, Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc./.