DetailController

Giáo dục

Qua 5 năm thực hiện đề án “Xây dựng Xã hội học tập” ở tỉnh ta

28/11/2010 00:00
Ngày 18-5-2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”. Đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước nói chung, nhất là đối với những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như tỉnh ta. Thực tế cho thấy, Đề án đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hàng triệu lượt người dân ở mọi lứa tuổi và mọi trình độ được học tập thường xuyên góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Sách hướng dẫn kỹ thuật sản xuất tại TTHTCĐ xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.

Giám đốc sở Giáo dục- đào tạo (GD- ĐT) Nguyễn Minh Thành cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện đến nay chúng ta đã đạt được cả 5 mục tiêu cơ bản của Đề án. Đó là, 99,5% số người trong độ tuổi (15-35) biết chữ; hơn 80% số cán bộ cấp xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố được học tập, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước; 100% cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được theo học các khóa đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng trình độ về mọi mặt; hơn 85% số người lao động trong các lĩnh vực nông - lâm nghiệp và dịch vụ được thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng để nâng cao khả năng hiểu biết, khả năng lao động sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống; tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều có Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) và hơn 80% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ).

   Điều đáng ghi nhận là, hầu hết các TTHTCĐ trong tỉnh đều hoạt động có hiệu quả. Đến nay cả 210 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có TTHTCĐ. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã huy động hơn 2,3 triệu lượt người theo học tại các TTHTCĐ với các hình thức xóa mù chữ và giáo dục, bồi dưỡng tiếp sau biết chữ. Ngoài việc dạy văn hóa các TTHTCĐ còn tổ chức các lớp học chuyên đề đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của người dân. Theo đó, người dân có thêm các kiến thức, kỹ năng lao động sản xuất nâng cao thu nhập gia đình. Đồng thời còn giúp họ các kỹ năng đọc, viết chống tình trạng tái mù chữ. Nhiều chuyên đề học tập có tác dụng tốt được nhân dân các địa phương đánh giá cao  như kỹ thuật nuôi bò lai, nuôi cá rô phi, cá trắm cỏ bằng lồng trên lòng hồ, kỹ thuật trồng hoa hồng trên đất cấy lúa kém hiệu quả; hoặc chuyên đề dệt thổ cẩm đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở bản Lác, Giang Mỗ, khu du lịch Kim Bôi. Một trong những hoạt động thường xuyên của các TTHTCĐ là nói chuyện thời sự, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân; thảo luận những chương trình công tác sắp triển khai của địa phương theo đúng nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Từ đó đã tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, huy động được mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần giữ vững an ninh nông thôn, xây dựng khối đoàn kết trong dân và mối liên kết giữa các tổ chức đoàn thể và xã hội trong cộng đồng xã, phường, thị trấn. Thông qua hoạt động các TTHTCĐ còn góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về hiến pháp, pháp luật cho người dân. Từ đó làm giảm các vụ khiếu kiện vượt cấp, giảm thiểu tai nạn giao thông ở những vùng nông thôn, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên...

 Có được xã hội học tập như hiện nay chính là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia của mọi lực lượng trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy lực lượng nòng cốt vẫn là cấp ủy chính quyền cùng các hội Khuyến học, Nông dân và Phụ nữ ở cơ sở và ngành giáo dục - đào tạo. Với tinh thần “cần gì học nấy”, sở GD - ĐT đã phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể xây dựng và triển khai 21 chuyên đề tại các TTHTCĐ như Kỹ thuật nuôi gà thả vườn, Kỹ thuật nuôi nhốt trâu bò, Xây dựng gia đình hạnh phúc, Giúp con học tốt lớp một... Ngoài các chuyên đề học tập nói trên, sở GD - ĐT còn viết sáu bộ học liệu và in cấp cho 210 TTHTCĐ trong tỉnh. Các chuyên đề, tài liệu học tập do sở GD - ĐT xây dựng đều đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân. Hội Phụ nữ, Nông dân còn lồng ghép các nội dung sinh hoạt hội với các chuyên đề học tập khi sinh hoạt hội. Vì vậy thu hút được đông đảo hội viên tham gia góp phần xây dựng hội cơ sở ngày càng vững mạnh. Với nhiều cách làm sáng tạo trong 5 ăm qua, các cấp hội Phụ nữ đã vận đông hơn 100 học sinh bỏ học trở lại trường; quyên góp tiền, quần áo, sách vở hỗ trợ 1500 học sinh nghèo trị giá gần 450 triệu đồng. Hội Phụ nữ các cấp còn tổ chức hơn 300 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý vốn cho 20 nghìn lượt hội viên. Với những kiến thức tiếp thu được nhiều gia đình hội viên đã biết tổ chức sản xuất trong gia đình vươn lên có mức sống từ trung bình trở lên.

   Về vai trò của hội Khuyến học, trong 5 năm qua, các cấp hội Khuyến học trong tỉnh đã tập trung xây dựng mô hình xã hội học tập từ cơ sở với gần 20 nghìn gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình hiếu học”, hằng trăm dòng họ và nhóm gia đình đăng ký xây dựng “Dòng họ khuyến học”. Tiêu biểu là các dòng họ Bùi Quang ở huyện Lạc Sơn, họ Quách ở TP Hòa Bình, dòng họ Hà và họ Phạm ở huyện Mai Châu, dòng họ Bùi Văn ở huyện Yên Thủy, cùng nhiều dòng họ khác đang động viên, khuyến khích con cháu thi đua học tập để lập thân lập nghiệp tạo nên một xã hội học tập sôi nổi có hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh. Với những kết quả đã đạt được Đề án ““Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010” đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực ở địa phương, tạo động lực thúc đẩy nhanh nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở tỉnh ta; để nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự tin cùng đồng bào cả nước vững bước đi lên trên con đường đổi mới của Đảng theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh” ./.