Theo đó, đối với các Sở, Ban, Ngành: Cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức về những nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ. Rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, nhà xưởng, kho tàng… với hình huống bão mạnh, siêu bão. Đặc biệt là các công trình hồ thuỷ điện, hồ chứa nước, đảm bảo an toàn cho công trình đối với tình huống bão mạnh, siêu bão; rà soát, đề xuất trang bị các phương tiện, thiết bị cho công tác tìm kiếm cứu nạn với tình huống; các đơn vị tổ chức lực lượng ứng cứu và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin, kịp thời đưa tin về tình hình bão lũ; xác định cụ thể những khu vực nguy hiểm, phương án phối hợp với địa phương để sơ tán người trong tình huống bão mạnh, siêu bão, chuẩn bị hàng thiết yếu, thuốc chữa bệnh, phòng dịch và lương thực cần thiết dự phòng để đáp ứng cho nhân dân vùng bị thiên tai…
Đối với UBND các huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn chỉ đạo tổ chức trực ban, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, bố trí lãnh đạo chủ chố trực khi thấy xuất hiện có mưa lớn để xử lý các tình huống xấu nhất có thể xẩy ra; tăng cường cán bộ trực tiếp đến các địa điểm xảy ra sự cố để chỉ đạo, xử lý. Giữ thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời, thường xuyên về diễn biến cơn báo, mưa, lũ và các sự cố công trình. Tổ chức thực hiện phương án đối với lũ, lũ quét, sạt lở đất theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ”, “lực lượng tại chỗ”, “vật tư, phương tiện tại chỗ”, “hậu cần tại chỗ”. Chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn để thực hiện cứu hộ, sơ tán dân khi cần. Chỉ đạo các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; cắm biển báo, bố trí lực lượng ứng trực cấm người, phương tiện qua lại ở các ngầm qua sông, suối. Chỉ đạo đài phát thành, truyền hình, hệ thống truyền thanh địa phương đưa tin kịp thời. Đánh giá thiệt hại, tổ chức khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, phục hồi sản xuất. Tổ chức cứu trợ và tổng hợp báo cáo đến cơ quan cấp trên./.