DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19

11/11/2021 00:00
Từ đầu năm 2021 trong bối cảnh cả nước tiếp tục đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển sản xuất kinh doanh vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm ước đạt 6,35%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.227,7 tỷ đồng, bằng 74% so với Dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 64% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu ước đạt 807,834 triệu USD, tăng 10,51% so với cùng kỳ năm trước, bằng 66,34% so với kế hoạch năm. Có 20 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký là 32.517 tỷ đồng và 360 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng. Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 30/9/2021 được 2.335 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 được quan tâm thực hiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công tác đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.

Bên cạnh các kết quả đạt được, dự báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong những tháng còn lại của năm 2021 còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp. Dự báo đến cuối năm 2021 có 14/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, còn 05 chỉ tiêu khó đạt, cụ thể là: Tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người; tổng đầu tư toàn xã hội; thu ngân sách Nhà nước; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế.

Để phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, từ giờ đến cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xa hội, giải quyết việc làm, ổn định đời sống Nhân dân, tranh thủ nắm bắt những thời cơ mới. Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác. - Sớm vượt qua các khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2021, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tiếp tục nâng cao nhận thức về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh; sẵn sàng mọi điều kiện về nhân lực, phương tiện và chủ động triển khai các phương án, kịch bản nhằm ứng phó với mọi tình huống. Triển khai thực hiện tốt tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, trong đó ưu tiên cho các trường hợp tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc tự mua và tiêm vắc xin cho công nhân, lao động theo đúng quy định. Đồng thời, xác định nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng Tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như: Công tác quy hoạch, hạ tầng, nguồn nhân lực,... Đẩy mạnh cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Tập trung thực hiện các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đặc biệt là các chỉ số về gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính minh bạch... Tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử liên thông; chuyển đổi từng bước việc điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu. Tập trung xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo động lực phát triển. Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, chấm dứt tình trạng quan liên, nhũng nhiễu; phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ./.