DetailController

Giáo dục

Phổ biến các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, triển khai một số nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật

05/04/2022 00:00
Vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự và 04 Nghị quyết. Theo đó, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 201/HĐPH ngày 08/02/2022 đề nghị các đơn vị tăng cường tổ chức phổ biến các luật, nghị quyết mới được thông qua.

Cụ thể, đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung các văn bản Luật sửa đổi, bổ sung 09 luật mới được thông qua thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của sở, đơn vị và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu. Tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn, phổ biến pháp luật; kịp thời quán triệt, tổ chức tập huấn chuyên sâu các nội dung Luật sửa đổi, bổ sung 09 luật mới được thông qua cho cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên pháp luật trực tiếp triển khai thi hành văn bản luật. Chỉ đạo nội dung, hình thức phổ biến văn bản luật phù hợp với từng nhóm đối tượng; đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu giới thiệu, phổ biến nội dung văn bản luật bằng nhiều hình thức, cách thức phù hợp; quan tâm bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030,  tập trung phổ biến một số nội dung pháp luật về gia đình, trẻ em như: các quy định của pháp luật về trẻ em, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự với hình thức phù hợp, trong đó tập trung các hoạt động PBGDPL tại cơ sở, tới từng gia đình cán bộ, công chức, viên chức như: đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật, hoà giải ở cơ sở và các hình thức PBGDPL trực quan; trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội… để nâng cao nhận thức, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật đối với trẻ em; phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân trong theo dõi, phát hiện các vụ việc vi phạm.

Ngoài ra, đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật với một số nội dung như: các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, đánh bạc…); trật tự, an toàn giao thông và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; cư trú, xuất nhập cảnh; phòng, chống và xử lý nghiêm hành vi mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, quản lý vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; an toàn, vệ sinh thực phẩm; các hoạt động lễ hội…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới với nhiểu biến thể mới, do đó cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, đẩy mạnh phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm thích ứng an toàn trong tình hình mới.

Hình thức phổ biến giá dục pháp luật được lựa chọn phù hợp với từng nhóm đối tượng bảo đảm thiết thực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, truyền thông, PBGDPL trực quan trong công tác PBGDPL…

Trong quá trình thực hiện, cần nắm bắt ý kiến của Nhân dân, dư luận xã hội về tính khả thi, phù hợp của văn bản mới ban hành; kịp thời định hướng thông tin, phổ biến những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; giải đáp pháp luật và các vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật về các lĩnh vực, phạm vi do mình quản lý cho Nhân dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao./.