DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia

28/08/2023 15:44
Ngày 28/8, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức Phiên họp thứ 4 trực tuyến với các địa phương về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG chủ trì phiên họp. Chủ trì phiên họp tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của 3 CTMTQG được cấp có thẩm quyền thông qua là 102.050 tỷ đồng (100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài). Giai đoạn 2021 - 2023, việc cân đối nguồn lực từ ngân sách Trung ương trong các năm của giai đoạn cơ bản đáp ứng tiến độ, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đối với kế hoạch vốn năm 2021 đã giải ngân 1.078 tỷ đồng, đạt 88,95% kế hoạch; năm 2022, giải ngân vốn khoảng 14.468,011 tỷ đồng, đạt 42,49% kế hoạch; năm 2023, ước đến ngày 31/8/2023, giải ngân khoảng 16.365,331 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch. 56/63 địa phương tích cực, chủ động cân đối bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương thực hiện các chương trình. Theo đó, tổng vốn cân đối từ ngân sách địa phương năm 2022 đạt khoảng 16.220,152 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 31/1/2023 đạt khoảng 66,86% kế hoạch; tổng vốn cân đối từ ngân sách địa phương đạt khoảng 15.612,053 tỷ đồng, giải ngân đến tháng 7/2023 đạt khoảng 22,7% kế hoạch năm 2023.

Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới bước đầu đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Đến nay, có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 11,3% so với cuối năm 2020, trong đó, 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã…

Quá trình thực hiện CTMTQG giai đoạn 2021 - 2023 còn một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn như: một số nội dung, nhiệm vụ thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được triển khai thực hiện, dự kiến một số mục tiêu không thể hoàn thành, cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, mặt bằng pháp lý. Công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Việc huy động đảm bảo nguồn lực để thực hiện chương trình mặc dù đạt những kết quả nhất định, xong vẫn còn hạn chế, nhiều địa phương chưa chủ động cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các chương trình; một số địa phương chưa thực sự chủ động nghiên cứu, xây dựng ban hành các quy định áp dụng tại địa phương theo thẩm quyền…

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương trách nhiệm hơn, quyết liệt hơn, phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các địa phương chủ động nghiên cứu các văn bản mới ban hành để áp dụng triển khai thực hiện đạt kết quả. Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan Trung ương và địa phương; hoạt động của ban chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các CTMTQG. Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước triển khai thực hiện các CTMTQG./.