Theo đó, yêu cầu nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và hiệu quả. Là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó Chính quyền giữ vai trò chủ đạo, tổ chức, cá nhân chủ động trong phòng ngừa, ứng phó. Thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Dựa trên các phương án ứng phó thiên tai được duyệt và cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp các loại hình thiên tai.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh tham gia phối hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy cấp tỉnh; phân công cho các thành viên Ban Chỉ huy tỉnh phụ trách địa bàn các huyện thành phố; tham mưu cho Ban Chỉ huy tỉnh thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ do Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai giao. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy tỉnh huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức ứng phó với thiên tai. Tổ chức thường trực 24/24h trong mùa mưa lũ, trực ban 12/24h đối với thời gian còn lại trong năm, đôn đốc các huyện thành phố trong việc thực hiện công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn; Tổ chức, phối hợp tổ chức các lớp Tập huấn Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; giúp Ban Chỉ huy tỉnh thực hiện tổng hợp báo cáo về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự về công tác tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn và các địa phương xây dựng kế hoạch hiệp đồng, phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu giúp người dân khi thiên tai xảy ra và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng của ngành, phối hợp với các địa phương có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau thiên tai; tổ chức lực lượng phối hợp với các lực lượng vũ trang, địa phương tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Bố trí lực lượng phối hợp với các lực lượng giao thông và các địa phương tổ chức chốt chặn những vị trí trên các tuyến giao thông huyết mạch có nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi xảy ra thiên tai. Phối hợp với Thanh tra giao thông hướng dẫn, phân luồng các phương tiện đi lại đảm bảo an toàn trên các tuyến giao thông bị ngập sâu khi có mưa lũ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau mùa mưa lũ; thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước và sau mùa mưa lũ.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các Đài địa phương thông tin, thông báo kịp thời, nhanh chóng tình hình diễn biến thời tiết và thiên tai, nội dung Công điện, văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đến mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh biết để chủ động phòng ngừa và ứng phó. Có kế hoạch và giao trách nhiệm cho các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tuyệt đối thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các cấp và khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt là thông tin tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở đất. Có các phương án dự phòng để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt trong trường hợp có sự cố bất lợi về thời tiết gây ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của các thiết bị thông tin. Tiếp tục triển khai quy trình nhắn tin SMS phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng phương án phòng tránh thiên tai năm 2023 của địa phương theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), rà soát các trọng điểm xung yếu, các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Chuẩn bị kế hoạch về vị trí sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, đảm bảo hậu cần, an ninh trật tự khi sơ tán dân. Khắc phục sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật hư hỏng bằng nguồn lực của địa phương, tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng chánh thiên tai tới từng thôn bản, đặc biệt là các vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai đã xảy ra trong năm 2022 và các năm trước đây, cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống lũ quét tại các địa điểm trong kế hoạch của tỉnh, huyện, xã…/.