Trên cơ sở thực trạng các tuyến đê cấp III đã được kiểm tra đánh giá trước mùa mưa lũ năm 2022 trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định 04 khu vực trọng điểm xung yếu cần được bảo vệ gồm có:
- Đoạn từ K0+982 đến K1+187 đê Đà Giang thành phố Hòa Bình (đoạn đường chui qua cầu Hòa Bình).
- Cống tiêu C34 tại vị trí K0+830 đê Ngòi Dong.
- Cống thoát nước qua đê tại vị trí K1+757 đê Ngòi Dong (chân cầu Hòa Bình 3).
- Đoạn từ Km2+850 đến K2+950 tuyến đê Quỳnh Lâm.
Theo đó, phương án đã đánh giá cụ thể hiện trạng các vị trí xung yếu; xây dựng phương án phòng, chống cụ thể như: xác định sự cố bất lợi nhất; giải pháp xử lý; huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy; vật tư thiết bị dự phòng hiện có. Trường hợp xảy ra sự cố vỡ đê thì áp dụng phương án di chuyển và ứng cứu, phát lệnh sơ tán lên các địa điểm theo phương án được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN thành phố Hoà Bình phê duyệt và theo Quyết định số 2670/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt phương án sơ tán dân hạ du khi Công ty Thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình (Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hòa Bình) chỉ huy xử lý, chịu trách nhiệm huy động kịp thời lực lượng, phương tiện, vật tư của địa phương, của tổ chức, cá nhân trên địa bàn để cứu hộ, bảo đảm an toàn đê điều; trong trường hợp vượt quá khả năng thì báo cáo để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định huy động theo quy định tại Điều 35 Luật Đê điều. Hạt quản lý đê thuộc Chi cục Thủy lợi, Phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình là đơn vị tham gia và hướng dẫn kỹ thuật xử lý./.