DetailController

Văn hóa

Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm thành phố Hòa Bình

04/10/2022 00:00
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển các ngành du lịch, dịch vụ của thành phố Hòa Bình, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Làm cơ sở nhân rộng mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tiếp theo. Xây dựng đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Hòa Bình là cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm của Việt Nam và chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình tại Công văn số 2299/UBND-TCTM ngày 28/12/2020. Ngày 09/9/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1966/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm thành phố Hòa Bình.

Phạm vi thực hiện Đề án về không gian: Bắt đầu từ đầu đường Hòa Bình (Chi cục Thủy lợi Hòa Bình) đi dọc đường đê Đà Giang, điểm cuối Cầu Hòa Bình II, thuộc địa bàn phường Phương Lâm, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình. Về thời gian: Việc thực hiện xây dựng mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn phường Phương Lâm và phường Đồng Tiến thí điểm từ 2022-2023, năm 2024 tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm làm căn cứ để phát triển mở rộng mô hình kinh tế ban đêm trên toàn thành phố giai đoạn tiếp theo.

Mục tiêu cụ thể: Về kinh tế, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành thương mại - dịch vụ, du lịch trong khu kinh tế ban đêm dự kiến tăng 20%/năm. Thu ngân sách địa phương dự kiến tăng 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2023, doanh thu dịch vụ thương mại tại khu kinh tế ban đêm đêm đạt 500 tỷ đồng/năm (chiếm 20 -25% doanh thu dịch vụ thương mại tổng hợp trên địa bàn 2 phường Phương Lâm và Đồng Tiến). Đáp ứng nhu cầu tham gia kinh tế ban đêm cho 500.000 khách du lịch/năm. Thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch tăng lên, đối với khách nội địa là 1,5 ngày/khách, đối với khách quốc tế là 2 ngày/khách.

Về văn hóa - xã hội: Phát triển kinh tế đêm nói riêng và phát triển du lịch nói chung tại thành phố Hòa Bình còn nhằm giữ gìn, phát huy và bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc; nâng cao trình độ dân trí, nâng cao đời sống vật chất, đáp ứng nhu cầu của đời sống tinh thần cho nhân dân, trình độ quản lý; để từ đó tạo ra nhiều việc làm cho xã hội; góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở các khu du lịch phát triển, tích cực cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chỉ tiêu việc làm: Đến năm 2023 tạo thêm việc làm cho 2.000 lao động trực tiếp và lao động gián tiếp phục vụ các dịch vụ cho khu kinh tế ban đêm. Về an ninh trật tự: Phát triển kinh tế ban đêm sẽ tạo những địa điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đặc biệt là giới trẻ, từ đó giảm thiểu những tệ nạn xã hội về đêm, giảm tỷ lệ tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.

Nội dung phát triển mô hình kinh tế ban đêm: Xác định phát triển các lĩnh vực kinh doanh trong mô hình kinh tế ban đêm của thành phố sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực: (dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí; dịch vụ ăn uống, ẩm thực; dịch vụ mua sắm và tài chính). Quy hoạch tổ chức không gian cho mô hình kinh tế ban đêm gồm: Cổng chào vào khu phố đi bộ và kinh tế ban đêm ở hai đầu; khu vực sân khấu, tổ chức sự kiện; khu trung tâm mua sắm, các cửa hàng tiện ích, tài chính; khu ẩm thực; khu nhà hàng karaoke, quán bar, café; phố đi bộ Đê Đà Giang. Cơ sở vật chất đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và chỉnh trang tuyến phố đi bộ trong khu kinh tế ban đêm thành phố Hòa Bình: Chốt bảo vệ an ninh trật tự; nhà vệ sinh công cộng; thùng rác công cộng; bồn hoa trang trí tại dọc bờ tường bao đê; đèn led trang trí; phương tiện cứu hỏa; bãi đỗ xe tĩnh; Trung tâm thông tin hỗ trợ, chỉ dẫn và tiếp nhận phản ánh của du khách trong khu kinh tế đêm (trụ sở Ban quản lý khu kinh tế đêm).

Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo theo quy định hiện hành của pháp luật./.