DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Phê duyệt chủ trương xây dựng phương án phương án rà soát diện tích nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai ở tỉnh Hòa Bình

26/06/2024 16:30
Ngày 25/6, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1124/QĐ-UBND Về việc phê duyệt chủ trương xây dựng phương án phương án rà soát diện tích nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai ở tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, phê duyệt chủ trương xây dựng phương án phương án rà soát diện tích nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai ở tỉnh Hòa Bình, như sau:

Tên phương án: Rà soát diện tích nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai ở tỉnh Hòa Bình.

Tính cấp thiết: Các hệ sinh thái rừng đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và phúc lợi của con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp, như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính,… ngoài ra, rừng còn được biết đến với vai trò phòng hộ bảo vệ vùng đầu nguồn, duy trì nguồn nước, hạn chế xói mòn đất, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên; tạo việc làm, nâng cao sinh kế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa; góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 4/3/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công bố hiện trạng rừng năm 2023. Diện tích đất có rừng: 236.919,25 ha (rừng tự nhiên: 141.614,03 ha; rừng trồng: 95.305,22 ha). Tỷ lệ che phủ rừng là 51,61 %. Mặc dù có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhưng chất lượng rừng còn thấp, trữ lượng rừng, cấu trúc rừng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên chưa cao, nhiều diện tích rừng phòng hộ chủ yếu là rừng nghèo, nghèo kiệt và rừng phục hồi, tập trung nhiều ở khu vực thường bị ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở đất... Đối với rừng trồng phòng hộ, phần lớn diện tích được trồng bằng loài cây mọc nhanh, đơn tầng tán, bộ rễ kém phát triển...khả năng giữ nước, ngăn lũ, chống sạt lở đất kém.

Ngày 07/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030.  Mục tiêu cụ thể của Đề án là nâng cao chất lượng rừng đối với 240.000 ha; chất lượng rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng, rừng phòng hộ có chất lượng thấp được cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây và cấu trúc rừng đáp ứng yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.

Thực hiện Quyết định số 171/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 4/4/2024 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là nâng cao chất lượng rừng cho 3.600 ha, trong đó: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.400 ha. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 100 ha. Làm giàu rừng tự nhiên 1.300 ha. Nuôi dưỡng rừng tự nhiên 800 ha.

Từ những thực tế nêu trên, việc rà soát, xác định cụ thể: khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ rừng cần nâng cao chất lượng làm cơ sở để xây dựng phương án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai là rất cần thiết.

Mục tiêu chung: Xác định cụ thể diện tích rừng, khu vực, loại rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ rừng từ đó xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các-bon và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu cụ thể: Điều tra, đánh giá, xác định được diện tích, đối tượng từng loại rừng  (rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng, rừng trồng có chất lượng thấp) theo chủ quản lý rừng để triển khai, thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, bao gồm: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; làm giàu rừng; nuôi dưỡng rừng; trồng rừng. Xác định được danh mục các loài cây trồng phù hợp (ưu tiên các loài cây bản địa, đa tác dụng, quý, hiếm và có giá trị kinh tế, bảo tồn cao, có sức chống chịu cao) để nâng cao chất lượng rừng phù hợp với điều kiện sinh thái của từng khu rừng và thực tiễn tại địa phương.

Thiết kế được các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng đối với từng loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất) kèm theo các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp. Đề xuất được các giải pháp nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Kinh phí dự kiến thực hiện phương án là 2.100.000.000 đồng (Hai tỷ, một trăm triệu đồng).

Năm 2024: 1.000.000.000 đồng, tại mục đối ứng chi các Chương trình Mục tiêu quốc gia, Đề án tái cơ cấu, hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ thuộc ngành nông nghiệp, tại điểm 11, mục II, phần A, biểu số 8 kèm theo Quyết định số 2918/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Dự kiến năm 2025: 1.100.000.000 đồng, từ nguồn sự nghiệp kinh tế năm 2025.

Chủ đầu tư: Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình.

Hình thức quản lý: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện.

Thời gian thực hiện: Năm 2024 -2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện xây dựng phương án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành./.